Những thương vụ "hố" vì ngoại binh ở V-League
Thế nhưng, khá ngạc nhiên khi thị trường chuyển nhượng V-League đã có gần chục trường hợp tương tự.
Evaldo Goncalves (Long An – 2014)
Trường hợp của Lê Văn Tân không phải lần đầu tiên mà Long An “méo mặt” vì ký phải hợp đồng với “thương binh”. Đó là thương vụ mang tên Evaldo Goncalves, chân sút được đội chủ sân Tân An mang về với kỳ vọng làm mới hàng công ở lượt về V-League 2014. Thế nhưng, vừa ký hợp đồng được 1 ngày thì phía Long An mới phát hiện ra cựu tiền đạo HA.GL này bị rách sụn chêm đầu gối và buộc lòng phải thanh lý hợp đồng. May cho Long An là khi ấy, họ vẫn chưa trả một đồng nào cho Evaldo nên không bị thiệt hại về tài chính.
Denilson (Hải Phòng-2009)
Nhắc đến những vụ “mua nhầm thương binh” ở V-League mà không điểm lại trường hợp của Denilson với Hải Phòng năm 2009 thì quả là thiếu sót lớn. Bản hợp đồng này chuyển từ “bom tấn” thành “bom xịt” trong vỏn vẹn 3 tháng, khi nhà vô địch World Cup 2002 vốn bị chấn thương quá nặng và chỉ có thể ra sân thi đấu đúng 1 lần…trước khi xách va-li trở về Brazil.
Mitja Morec (HA.GL – 2015)
Trường hợp của Morec Mitja ở HA.GL mùa trước, lại khá giống với vụ việc của Diabate ở SHB.Đà Nẵng vừa qua.Thậm chí, trung vệ người Slovenia đã góp mặt cùng HA.GL trong chiến thắng 4-2 trước Sanna Khánh Hòa ở ngày khai màn V-League 2015. Nhưng sau đó, đội bóng phố Núi đã buộc phải thanh lý hợp đồng với Morec Mitja do phát hiện cầu thủ này có tiền sử bệnh tim.
Slobodan Dincic (Thanh Hóa – 2014)
Quá ấn tượng với bản lý lịch cực đẹp của Slobodan Dincic (từng là Vua phá lưới giải hạng nhất Serbia 2010/11), cộng với sự tin tưởng vào lời giới thiệu từ công thần Nastja Ceh, nên đội bóng xứ Thanh đã nhanh chóng ký kết hợp đồng với chân sút người Serbia mà ngó lơ khâu kiểm tra y tế. Để rồi sau đó, Thanh Hóa mới vỡ lẽ ra mình bị lừa khi Slobodan Dincic lúc ấy bị chấn thương cơ đùi rất nặng, không thể thi đấu. Càng đau hơn cho đội bóng xứ Thanh khi phát hiện ra sự việc thì thị trường chuyển nhượng đã đóng cửa và lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Pape Omar (Thanh Hóa - 2011)
Giống như Long An, Thanh Hóa cũng hơn một lần nhận trái đắng vì “mua hớ”, bởi trước vụ việc của Slobodan Dincic, đội bóng sông Mã từng “dính phốt” ở vụ chiêu mộ chân sút Pape Omar năm 2011. Tuy nhiên, lý do không phải vì vấn đề y tế mà do vấn đề pháp lý, khi đang sử dụng tiền đạo người Senegal thì nhận được thông báo từ FIFA rằng Pape Omar đang bị cấm thi đấu trên toàn cầu vì dàn xếp tỷ số hồi còn thi đấu ở FC Thun của Thụy Sỹ. Thật may, sau đó Pape Omar đã được FIFA xóa án, rồi trở lại Thanh Hóa đầu năm 2015 và đến giờ vẫn đang gắn bó cùng đội bóng xứ Thanh.
Oloya Moses (Navibank Sài Gòn – 2009)
Một trường hợp khác cũng “dính phốt” vì vấn đề pháp lý là thương vụ giữa Navibank Sài Gòn và Oloya Moses hồi năm 2009. Hài hước thay, ký kết xong xuôi đội bóng Sài thành mới phát hiện ra mình không thể dùng Oloya Moses vì chưa đủ tuổi (lúc đó 17 tuổi) và phải “nuôi báo cô” tiền vệ này 1 năm trời. Để rồi sau đó lại không được gì, vì Oloya Moses ra đi ngay khi đủ tuổi và bây giờ tiền vệ người Uganda đang là một trong những ngoại binh hay nhất ở V-League trong màu áo B.Bình Dương.
Abdul Haruna (SLNA – 2015)
Không gặp vấn đề về pháp lý, cũng chẳng có sai sót gì về y tế, thế nhưng SLNA vẫn phải “đau đầu” vì cầu thủ quá cố Abdul Haruna ở mùa giải trước do vấn đề tín ngưỡng …tôn giáo. Chuyện là Abdul Haruna theo đạo Hồi và thực hiện rất nghiêm ngặt tháng ăn chay Ramadan (chỉ ăn sau khi mặt trời lặn), nên không đảm bảo thể lực để tập luyện và thi đấu. Sau khi rời SLNA, Abdul Haruna bất ngờ đột tử ngay trên sân bóng khi đang thi đấu cho CLB Kano Pillars ở Nigeria.