“SLNA xứng đáng là hình mẫu để kinh doanh cầu thủ”
"Có thể SLNA luôn là một đội bóng eo hẹp về tài chính, không có nhiều tham vọng nhưng không hiểu vì sao họ không bán bớt đi những cầu thủ tốt khi họ còn hợp đồng thay vì để họ đi tự do. Làm thế, SLNA có thêm nguồn tài chính, mua những ngoại binh tốt cũng như tái đầu tư vào công tác đào tạo trẻ.
Và cứ như thế, họ lại tiếp tục bán đi một vài cầu thủ tốt, tạo cơ hội thể hiện cho các tài năng trẻ đang khát khao được tích lũy và thể hiện. Trong khi để đào tạo được một cầu thủ giỏi, mất rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết.
Nhìn chung, đội bóng xứ Nghệ có rất nhiều lợi thế để đẩy mạnh việc chuyển nhượng cầu thủ, một hình thức kinh doanh có lãi. Không có nhiều đội bóng tại V.League làm được điều này nhưng nếu SLNA mạnh dạn làm như khả năng có thể, tôi tin họ sẽ thành công”. Ông Nguyễn Giang Đông - Chủ tịch CLB Hà Nội tiếc nuối khi nói về ưu thế của SLNA.
Bóng đá là một cuộc chơi tốn nhiều tiền của và trên địa bàn Nghệ An, lợi nhuận 30 tỷ đồng/năm là con số ngoài tầm với của nhiều doanh nghiệp lớn. Được biết, hiện nay đơn vị chủ quản của SLNA là NH Bắc Á đang khuyến khích đội bóng của mình khai thác tốt các nguồn nội lực, nhằm giảm gánh nặng cho nhà tài trợ và ngân sách. Một hướng phát triển mới là điều rất cần cho bóng đá xứ Nghệ lúc này. Bởi năm nào cũng vậy, SLNA không thể vươn đến đỉnh cao, ngoại binh thiếu chất lượng do nguồn kinh phí eo hẹp, các cầu thủ có một chế độ đãi ngộ chưa cao. Và quan trọng hơn cả là niềm tin của NHM với lực lượng CĐV hùng hậu luôn bị thử thách trong những giai đoạn kết thúc mùa giải.
Hiện nay, CLB duy nhất có thể bán cầu thủ là HAGL. Tuy nhiên, để đào tạo những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… thì bầu Đức phải đầu tư tài chính rất lớn cho Học viện HAGL Arsenal JMG, cao hơn nhiều so với chi phí mà SLNA bỏ ra để đào tạo những Nguyên Mạnh, Ngọc Hải, Đình Hoàng, Phi Sơn.