Bình Định & Cà Mau tranh nhau suất hạng Nhất: Lên hạng để làm gì?
Đồng Nai - bài học nhãn tiền
Ai cũng hiểu muốn làm bóng đá chuyên nghiệp thì phải có tiền. Bởi tiền là yếu tố quyết định để mọi đội bóng có thể đi lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tiền ở đây không đơn giản chỉ là đổ hầu bao mua cầu thủ, treo thưởng, trả lương… Tiền, quan trọng hơn, phải được kiếm ra từ bóng đá. Đó là điều bắt buộc nếu các đội bóng muốn theo con đường chuyên nghiệp.
Trong suốt 14 năm bóng đá Việt Nam mang danh chuyên nghiệp, các đội bóng hầu như chỉ biết “đốt tiền”. Còn kiếm tiền từ bóng đá là một chuyện xa xỉ. Ví dụ thực tế nhất chính là số phận “ngàn cân treo sợi tóc” của Đồng Nai hiện tại. Sự sống chết của CLB hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến từ lãnh đạo tỉnh. Nếu lãnh đạo lắc đầu, coi như đội bóng bị “khai tử”.
Chuyện nan giải nhất khiến Đồng Nai lâm vào cảnh… hiểm nghèo chính là nợ nần. 3 năm lên chơi V.League, đội bóng này liên tục nợ theo kiểu “xen canh gối vụ”. Cứ thế, con số nợ tăng dần theo từng mùa bóng, và khi các khoản chi vượt quá xa số tiền được giải ngân, điều không thể tránh khỏi là CLB nợ lương cầu thủ.
Có một sự thật là vấn đề tồn đọng ấy gần như không thể giải quyết nổi với Đồng Nai. Nếu không có phép màu xảy ra thì con đường duy nhất là đội bóng này phải giải tán để “hóa vàng” mọi thứ.
Lên hạng để làm gì?
Sở dĩ Đồng Nai rớt hạng và phát sinh nợ nần là họ chỉ biết “nằm chờ” ngân sách rót xuống mà không biết tự lực kiếm tiền để nuôi bóng đá. Nhưng nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chuyện lên hạng của đội bóng này ở mùa bóng 2013, khi VFF chọn họ thế chỗ CLB Hà Nội. Dường như những người làm bóng đá Đồng Nai không xác định được lên hạng để làm gì, khi sự khác biệt giữa giải hạng Nhất và V.League theo kiểu chuyên nghiệp của BĐVN là một trời một vực.
Hiện tại, Cà Mau và Bình Định đang tranh nhau suất lên hạng Nhất 2016. VFF rất khó xử trong việc chọn ai, bỏ ai. Cả 2 đội bóng này đang tuyên bố chắc nịch là sẵn sàng lên hạng Nhất và đảm bảo sẽ đáp ứng đầy đủ các quy định bóng đá chuyên nghiệp. Ngay cả vấn đề nan giải nhất là kinh phí thì họ đều cho biết đã tháo gỡ được và không phải vướng bận về điều ấy.
Sở dĩ Cà Mau xin nghỉ rồi được “đi học lại” là nhờ lãnh đạo tỉnh bất ngờ thay đổi quyết định sau cuộc họp với Chủ tịch HĐQT VPF, ông Võ Quốc Thắng. Trong khi đó, Bình Định dù được VFF ngỏ lời vội vã nhưng cũng rất nhanh chóng đồng ý thay thế Cà Mau lên hạng Nhất, là bởi được lãnh đạo tỉnh chấp nhận.
Cả 2 đội bóng đều thể hiện quyết tâm, nhưng sự quyết tâm ấy vẫn phụ thuộc rất nhiều vào chỉ thị từ lãnh đạo tỉnh. Thực tế là Cà Mau và Bình Định cũng chưa cho thấy bất kỳ một điều gì để sẵn sàng lên hạng như tuyên bố, ngoại trừ chuyện kinh phí được cả 2 bên thừa nhận. Trong khi Cà Mau chỉ còn có hơn 10 cầu thủ thì Bình Định chính là bại tướng của họ trong trận play-off tranh suất lên hạng, và cũng đang ráo riết gọi quân tứ xứ về.
Thật sự, rất đáng lo ngại khi cả Cà Mau lẫn Bình Định đều tuyên bố như thể “ngã giá” để đáp ứng yêu cầu lên hạng Nhất của VFF.
Nếu lên hạng chỉ để tăng thêm kinh phí và lấy tiếng vang cho tỉnh nhà thì cả 2 đội bóng này cần nhìn vào “vết xe đổ” mà Đồng Nai đã đi qua.
Dù cho ra đời Công ty CP phát triển bóng đá Cà Mau nhưng đội bóng này chưa xác định được bao lâu sẽ lên chơi V.League. Thậm chí, họ còn tính sẽ lỗ trong vài năm đầu tiên. Trong khi đó, Bình Định đặt mục tiêu rõ ràng là năm... 2020 sẽ lên V.League.