Vì sao HAGL vẫn chưa thể trở lại thời kỳ hoàng kim?
HAGL là một thương hiệu lớn của bóng đá Việt Nam. Một đội bóng có truyền thống lịch sử nhưng cũng có không ít sai lầm, trong số đó có "cú sốc" về nhân sự.
>>> HAGL có phải "lò xay" trung vệ?
>>> Cầu thủ HAGL thay đổi thế nào sau phát biểu cấm đá bậy của bầu Đức?
CLB HAGL là đội bóng được nhiều người yêu mến nhưng để trở thành một đội bóng mạnh, họ vẫn loay hoay và cần thêm thời gian. Ba nguyên nhân sau đây có thể tạm khái quát bức tranh và trả lời câu hỏi vì sao HAGL vẫn chưa thể trở lại thời hoàng kim đầu những năm 2000?
"Cú sốc" nhân sự
Ngược dòng thời gian trở thời điểm cuối năm 2014, bầu Đức quyết định đôn số lượng lớn cầu thủ thuộc lứa 1 và 2 lò đào tạo HAGL Arsenal JMG lên V.League. Những Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường... gây tiếng vang cùng U19 Việt Nam trước đó khiến ông bầu này quyết định làm nên một trong những "cuộc thay máu" lực lượng lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Nhìn vào danh sách thi đấu ở trận cuối cùng V.League 2014 và trận mở màn V.League 2015. HAGL có sự thay đổi cực lớn. Họ chỉ giữ lại 7/27 cái tên ở mùa giải trước, bổ sung thêm 23 cái tên, trong đó có 21 người đến từ lứa 1 và 2 do chính CLB đào tạo.
HAGL mở màn đầy mỹ mãn khi đánh bại Sanna Khánh Hòa BVN 4-2 ở trận mở màn. Thế nhưng, ở phần còn lại của mùa giải, họ chỉ còn gắn liền với câu chuyện trụ hạng.
"Cú sốc" nhân sự của HAGL thời điểm đó kéo dài cho đến hiện tại. Lứa Tuấn Anh, Xuân Trường bước vào độ tuổi 23 đầy sung mãn nhưng vẫn chưa thể vượt ra khỏi nửa cuối bảng xếp hạng. Cách làm này của bầu Đức và HAGL vẫn được xem là ví dụ điển hình cho cách làm bóng đá vội vàng, thiếu tính toán.
"Hàng thải" lại hóa ngôi sao
Trong số những cầu thủ HAGL chia tay ngày trước, có những người vươn mình trở thành trụ cột ở đội bóng khác, đóng góp vào thành công lớn cho CLB mới.
Thủ môn Đặng Văn Lâm phải rời CLB vì lý do kỷ luật và giờ đang là trụ cột ở CLB Hải Phòng trong hai mùa giải gần nhất, từng bước đánh chiếm vị trí số 1 trong khung gỗ ở đội tuyển quốc gia. Một thủ môn khác là Nguyễn Tuấn Mạnh cũng có những bước tiến tương tự Văn Lâm hiện đang chơi cho Sanna Khánh Hòa BVN.
Hai ví dụ trên đánh mạnh vào vấn đề của HAGL thời điểm hiện tại ở hàng phòng ngự. Trong đó, thủ môn của họ chưa bao giờ là vị trí cho thấy sự yên tâm từ năm 2015.
Ngoài ra, không thể kể đến hậu vệ cánh Phùng Văn Nhiên. "Máy chạy cánh" người Nam Định trở về miền Bắc khoác áo CLB Hải Phòng, liên tục đá chính và chiếm cảm tình của người hâm mộ nhờ sự cần mẫn.
Những cái tên khác sau này mới chuyển đi như Lê Hoàng Thiên (2016), hậu vệ cánh Bùi Văn Long và tiền vệ Bùi Trần Vũ (2017) lần lượt chuyển đến Sài Gòn FC và SHB Đà Nẵng đều có được vị trí vững chắc ở thời điểm hiện tại.
Chọn lựa ngoại binh là vấn đề của HAGL
4 năm qua, HAGL đã thay đến 11 ngoại binh khác nhau. Nổi bật nhất là năm 2015, họ ký hợp đồng hớ với cả hai ngoại binh đăng ký từ đầu mùa và phải gấp rút thay thế.
Trước đây, HAGL có những ngoại binh rất chất lượng từ Thái Lan. Gần năm 2015 hơn thì có những cái tên tốt như tiền đạo Evaldo, thủ môn Bassey Akpan hay Oseni. Thế nhưng, đó đã là chuyện của quá khứ.
HAGL giống với phần lớn các CLB tại V.League khi không thể có được những chữ ký ngoại chất lượng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lương và sự cạnh tranh từ các giải VĐQG của Thái Lan.
Đến năm nay, hai ngoại binh là Kim Jin Seo và Rimario cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đặc biệt, Kim Jin Seo được chính GĐKT Chung Hae Seong giới thiệu đang cho thấy sự thích nghi chậm chạp với V.League và CLB khiến hàng phòng ngự HAGL nhiều lần bị phá vỡ.