V.League mùa vắng “sao”: Khi những đôi chân hóa đá
Phải đến cuối mùa, những ca chấn thương tiêu biểu của Anh Khoa hay Abbas mới dồn dập đổ về, và nó làm tất cả đều ghê sợ. Nhưng thực tế là suốt giải, những pha “đốn hạ” thậm chí còn mang tính “triệt tiêu” khốc liệt hơn, vẫn diễn ra như cơm bữa vì xu thế bạo lực lên ngôi.
Án phạt “điểm” dành cho Đình Đồng năm 2014 hẳn là vẫn chưa đủ sức răn đe. Rất nhiều cầu thủ vẫn thường xuyên ra sân trong trạng thái “săn mồi” mà mục tiêu là ngăn chặn đối thủ bằng mọi vũ khí “tự tạo” như cùi chỏ, “bàn là”, đạp trước, xoạc sau, song phi, quét trụ… Điển hình như Minh Tùng (T.Quảng Ninh) lao cả 2 chân vào Hoàng Thiên (HA.GL), Chí Công (B.Bình Dương) áp dụng Vovinam với tiền đạo ngoại của Đồng Tháp, hay Tuấn Anh (T.Quảng Ninh) từ sân phải đi xe cấp cứu vào thẳng bệnh viện…
Đã làm nghề đá bóng, lại là “sao”, không có ai không ngại chấn thương. Cũng chưa có ai đủ giỏi như Messi hay Ronaldo “béo” thời đỉnh cao để có thể vừa đá bóng vừa chơi trò “nhảy sạp”. Đấy là lý do những người có xu hướng chơi kỹ thuật hay tốc độ như Văn Quyết, Thành Lương, Công Phượng hầu như không có được sự bùng nổ và trải qua một mùa giải âm thầm.
Văn Quyết năm vừa rồi lấy vợ, và chính vợ của cầu thủ này đã từng thổ lộ: “Em sợ nhất anh lăn lộn ở trên sân”. Quyết bây giờ có bóng là cài và chuyền, không còn thường xuyên đột phá hay lướt vào những nơi hiểm địa như hồi còn ở Thể Công hay mới về HN.T&T. Chính Quyết cũng có lần tâm sự rất thật: “Em bị ăn đòn nhiều rồi, nên cũng phải phòng thân”.
Phòng thân là một kỹ năng buộc phải có trong bóng đá. Nhưng nếu cứ liên tục phải căng các dây thần kinh để “kích hoạt” kỹ năng ấy thì đương nhiên còn đâu nữa sự sáng tạo, thăng hoa?
Đó là chưa kể V.League 2015 càng về cuối càng bị cuốn đi theo những vở kịch được dàn dựng sẵn. Có nhiều cầu thủ muốn chơi cho hay cho đẹp cũng không được, vì đồng đội xung quanh đã bị biến thành con rối cho người khác giật dây.
Tâm lý nghi ngờ, chán nản, buông xuôi bủa vây nhiều đội bóng…, tất cả tạo ra những trận cầu nhạt nhẽo hoặc có kịch tính, có bàn thắng, thậm chí có cả thẻ vàng, thẻ đỏ đấy nhưng nhiều khi là… diễn xuất. Mớ bùng nhùng ấy không thể là bệ phóng của những ngôi sao.
Đó là nỗi buồn và cũng là nỗi đau của một giải đấu, khi “không có đất” cho ngôi sao tỏa sáng.
ANH ĐỨC