V.League thường biến động bất ngờ sau các giải lớn của quốc tế
Lịch sử V.League thường chứng kiến kịch bản không ngờ tới sau khi kết thúc các giải đấu lớn của thế giới.
V.League dường như đứng ngoài guồng quay EURO 2016 khi các trận đấu vẫn diễn ra bình thường. Thế nhưng giới mộ điệu liên tục chỉ ra nhiều bất thường tại giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam trong 4 vòng đấu vừa qua. Từ vấn đề trọng tài, cá nhân cầu thủ cho đến những trận đấu có diễn biến không lường...
Thông lệ bất thường vào giai đoạn hè
V.League 10 năm vừa qua chứng kiến quá nhiều những vụ lùm xùm về gian lận vào giai đoạn mùa hè, đặc biệt là những năm chẵn khi các giải đấu lớn diễn ra và các trận đấu "có mùi" dày đặc hơn sau đó ít lâu.
Tại V.League 2006, chỉ trong vòng hơn 1 tháng sau khi World Cup kết thúc, 2 trọng tài Vũ Bảo Linh và Đào Văn Cư bị đẩy xuống giải hạng Nhất bởi công tác điều khiển trận đấu để lại nhiều phản hồi tiêu cực từ người hâm mộ cũng như giới chuyên môn.
Chưa hết, 2 vị "Vua áo đen" khác Trần Xuân Nguyện và Lê Thanh Bình còn bị "treo còi" vô thời hạn khi không điều hành tốt các trận đấu tại giải hạng Nhất. Riêng trọng tài Trần Xuân Nguyện, nhiều người đánh giá cách ông cầm còi trận QK4 1-0 TP HCM 1-0 là "tồi tệ".
Hai năm sau, 4 trụ cột của SLNA gồm thủ môn Viết Nam, trung vệ đội trưởng Huy Hoàng, hậu vệ trái Hồng Tiến, hậu vệ phải Đình Đồng nhận án treo giò đến hết mùa sau trận đấu "nằm" để đối thủ Hà Nội ACB thắng 4-2 tại vòng 22. Vụ tai tiếng này diễn ra sau trận chung kết EURO 2008 chưa đầy 1 tháng.
Tại V.League 2011, thời điểm HLV Nguyễn Thành Vinh của HP.HN tố trọng tài thiên vị V.Hải Phòng hồi đầu tháng 8 cũng là lúc Copa Ameria vừa kết thúc ít ngày. Theo HLV Nguyễn Thành Vinh, trọng tài Nguyễn Công Trọng đã thiên vị Hải Phòng một cách trắng trợn.
Ở vòng 21 mùa giải đó, trận thua bất ngờ của Thanh Hóa trước SLNA chiều 13/7 có một phần nguyên nhân từ những quyết định về nhân sự của HLV Lê Thụy Hải. Ông cất một loạt cầu thủ đá chính ngoài sân và tiếp tục tung những cái tên thường xuyên dự bị vào sân ở hiệp 2 để thay thế cho những cầu thủ đang chơi tốt.
Cũng tại vòng đấu này, ĐTLA (nay là Long An) có chiến thắng trước HA.GL sau khi bị dẫn 1-3 ở hiệp 1. Đội bóng phố núi bất ngờ chơi như mơ ngủ ở cuối trận để ĐTLA ghi 3 bàn thắng dễ dàng để có được 3 điểm trong cuộc chiến trụ hạng của mình.
Năm 2014, nhóm 6 cầu thủ của CLB Đồng Nai bị bắt ngay sau trận đấu trên sân Cẩm Phả vì tội bán độ khi World Cup 2014 mới kết thúc 1 tuần. Đội trưởng Phạm Hữu Phát cùng 5 đồng đội tham gia dàn xếp tỷ số trong trận đấu với giá 400 triệu đồng. Sau quá trình điều tra, cơ quan công an đề nghị truy tố 5 cầu thủ Trung, Thiện, Sơn, Giang, Tiến về tội đánh bạc. Riêng Phát về hai tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
4 vòng đấu nóng tại V.league 2016
Quay trở lại mùa bóng năm nay. Trong vòng 1 tháng diễn ra EURO 2016, thay vì tạm nghỉ, BTC vẫn để giải đấu tiếp tục. Từ đây, khi giới mộ điều chưa hết băn khoăn về chuyên môn thì những lùm xùm liên tục nổ ra.
Đầu tiên có thể kể đến những tình huống ngớ ngẩn của Tấn Trường. Không chỉ một lần, thủ môn mới đây vẫn được gọi tập trung ĐTVN liên tục có những biểu hiện không bình thường, dẫn đến những bàn thua rất khó hiểu.
Không thể không nhắc đến những quyết định tai tiếng của những ông vua áo đen trong 4 vòng đấu vừa qua. Chỉ riêng vòng 15, có thể kể ra tới 3 trận đấu mà công tác trọng tài có vấn đề gồm Bình Dương – Hà Nội T&T, Sài Gòn - SLNA, Thanh Hóa - QNK. Quảng Nam. Đó là chưa kể tới trận HAGL hòa Hải Phòng mà sau đó HLV Trương Việt Hoàng đã đăng đàn tố tổ trọng tài thiên vị chủ nhà.
Một nghi vấn khác được đặt ra là nhiều trận đấu không được phát trực tiếp. Điều này khá bất ngờ bởi hồi đầu giải, BTC thực hiện việc này trong rất nhiều trận đấu. Người hâm mộ có quyền đặt dấu hỏi từ những trận V.League không lên sóng truyền hình khi nhiều trận đấu ở cả V.League lẫn hạng Nhất bị tố có vấn đề.
Trận Đồng Tháp làm khách trên sân Lạch Tray là một trong số đó và sau trận đấu, cơ quan an ninh đã thông báo tới BHL việc tìm hiểu một số cầu thủ có dấu hiệu không bình thường. Theo HLV Trần Công Minh chia sẻ thì các học trò của mình không bị nghi ngờ cá độ liên quan đến EURO mà là từ trận thua SLNA.
Phía BTC giải cũng không làm ngơ trước sự việc này và yêu cầu lãnh đạo CLB Đồng Tháp giải trình, làm rõ thông tin trên. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời của mình, đội bóng xứ Tháp Mười cho biết cơ quan điều tra không phát hiện trường hợp tiêu cực nào.
Điều mà rất nhiều người có thể dễ dàng nhận ra, thậm chí đoán trước chính là số lượng bàn thắng trở nên nhiều bất thường ở nhiều trận đấu. Đáng nói, những bàn thắng đó thường đến ở những phút cuối trận và được sự trợ giúp từ những sai lầm khó hiểu của hàng thủ đối phương.
Các báo cáo nhìn chung đều bình thường
Hồi đầu mùa, công ty VPF đã tuyên bố ký kết hợp tác với Sport Radar, đơn vị chuyên thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến cá độ bất hợp pháp nhằm chống tiêu cực cho bóng đá nội. Tới nay, tính khả thi của việc hợp tác này đang là dấu hỏi khi nhiều trận đấu bất bình thường liên tục diễn ra.
Trả lời về vấn đề này, Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết: "Hiện nay BTC được đối tác cung cấp số liệu thống kê thường xuyên. Tôi không phải là người nắm được chi tiết mà chỉ được thông báo tổng quan. Vì vậy, tôi chỉ có thể nói rằng nhìn chung, các báo cáo vẫn chưa phát hiện dấu hiệu nào khả nghi".