Võ sỹ Đổ Hồng Ngọc và chuyện phân định giới tính tưởng dễ mà khó
Năm 2018, có võ sĩ boxing Đổ Hồng Ngọc bị buộc phải lên mặt báo bởi vụ lùm xùm xung quanh giới tính thực của cô. Cô sinh ra, được bác sĩ nhận dạng bộ phận sinh dục ngoài là nữ, lớn lên được mọi người đối xử như nữ giới, nhưng oan nghiệt là việc chạy nhiễm sắc thể lại cho ra kết quả cô mang một cặp nhiễm sắc thể XY của nam.
Vậy rốt cuộc cô nên được tính là nam hay nữ?
Để làm rõ vấn đề này, có lẽ cần điểm lại một vài tri thức về sự phát triển và biệt hóa bộ phận sinh dục ngoài của phôi – thai nhi người.
Theo kết quả siêu âm và những nghiên cứu y học kinh điển trong thập kỷ qua, dù phôi người có mang nhiễm sắc thể giới tính XY hay XX, thì trong 8 tuần đầu, phôi thai người đều tồn tại hai cấu trúc, hai cơ quan sinh dục.
Một là ống Mullerian sau này sẽ phát triển thành cơ quan sinh dục nữ, và một là ống Wolffian mà sau này sẽ biệt hóa thành cơ quan sinh dục nam.
Chuyện "trở thành thân nam nhi" ở phôi người là một hành trình yêu cầu khá nhiều yếu tố, bởi sự phát triền bình thường của cơ quan sinh dục nam sẽ phụ thuộc vào sự ảnh hưởng qua lại của các gen trên nhiễm sắc thể Y, hormone nam testosterone và hormone ức chế sự phát triển của ống Mullerian (Anti Mullerian hormone – AMH).
Chỉ cần một trong số đó hoạt động không hiệu quả hoặc bị ức chế, ống Wolffian sẽ trở thành bộ phận thứ yếu ở tuần thai thứ 8. Thay vào đó ống Mullerian sẽ chiếm cứ vị trí chủ đạo, biệt hóa trở thành một bộ phận sinh dục ngoài y như nữ.
Sau thời điểm này, kể cả khi phôi thai được bổ sung testosterone hay có phát triển tinh hoàn đi chăng nữa, cấu trúc của bộ phận sinh dục ngoài cũng đã bị cố định. Nó sẽ không tự nhiên thay đổi cho đến cuối đời, bất chấp nhiễm sắc thể có là XX hay XY. Hiện tượng này sẽ gây ra cái gọi là "dương vật thụt", "tinh hoàn thụt" mà ta vẫn biết.
Thậm chí, như một trường hợp hiếm được ghi nhận ở Canada vào năm 1996, còn có một ca vừa có tinh hoàn và ống dẫn tinh, lại vừa có cấu trúc tử cung và vòi dẫn trứng khá phát triển trong khi mang nhiễm sắc thể XY của nam!
Theo thống kê của Cộng đồng Liên giới tính Bắc Mỹ (ISNA), cứ hai nghìn người thì một người sẽ biệt hóa giới tính không rõ ràng và trở thành người liên giới tính (intersexs)
Vậy việc "ông tạo nặn lỗi" này có xảy ra thường xuyên hay không?
Rất tiếc là có. Theo thống kê của Cộng đồng Liên giới tính Bắc Mỹ (ISNA), tỉ lệ lỗi diễn ra khi biệt hóa giới tính ở người là 1/2000, nghĩa là cứ hai nghìn người thì một người sẽ biệt hóa giới tính không rõ ràng và trở thành người liên giới tính (intersexs).
Ở cộng đồng Châu Á, nhất là những nước chịu ảnh hưởng văn hóa phụ quyền Trung Quốc, tỷ lệ này sẽ thấp hơn bởi không ít gia đình có tư tưởng chọn lọc giới tính thai nhi trước khi sinh, nhưng đó lại là một câu chuyện khác mà người viết sẽ không lạm bàn.
Trở lại câu chuyện của những người intersex, hay như trường hợp võ sĩ Đổ Hồng Ngọc., mang nhiễm sắc thể XY nhưng bộ phận sinh dục ngoài lại được xác nhận là của nữ.
Trong thể thao, nhất là thể thao đối kháng, tầm quan trọng của testosterone – hợp chất anabolic xây dựng cơ bắp quan trọng bậc nhất trong cơ thể người – là chuyện khỏi phải bàn. Nó làm tăng tốc xây dưng cơ bắp và sức mạnh, tăng sự hình thành của các tế bào máu, tăng tốc độ phục hồi chấn thương, tăng khả năng hấp thụ protein, làm chắc xương và giảm mỡ.
Bởi thế mà chuyện cơ thể võ sĩ có cấu tạo nam hay nữ, lượng sản xuất hormone testosterone như thế nào là cực kỳ quan trọng để có sự công bằng tương đối trong việc sắp xếp các trận đấu. Có mấy khi người ta dám để các nữ võ sĩ lên đài với các võ sĩ nam, kể cả khi cùng hạng cân!
Cũng vì lý đó mà không chỉ võ thuật, nhiều môn thể thao thành tích cao khác cũng rất không hữu hảo với những người chuyển giới (transgenders) và liên giới tính (intersexs).
Patricio Manuel - Boxer chuyển giới từng sinh ra dưới cái tên rất nữ tính Patricia Manuel
Nếu bạn quan tâm đến võ thuật, nhất là Muay Thái, hẳn bạn sẽ nhớ mang máng đến cái tên Nong Rose. Nong Rose Banjaroensuk có cái tên khai sinh là Somros Polchareon, giới tính nam. Cô đã chuyển giới sang nữ, nhưng hiện tại vẫn đánh đài Muay Thái với các đối thủ nam nhi.
Một ví dụ khác ít nổi tiếng hơn thuộc về Boxing, đó là Patricio Manuel – một võ sĩ sinh ra với giới tính nữ, từng 5 lần vô địch giải trẻ nghiệp dư Mỹ. Nhưng sau khi chuyển giới thành nam, anh cũng xác định sẽ lên sàn chiến đấu với các tay đấm nam luôn.
Điểm chung ở đây là cả hai đều quyết định tiếp tục nghề võ ở sàn đấu của các nam võ sĩ, bởi bản thân họ hiểu được rằng mình đã có lợi thế testosterone quá cao so với các vận động viên nữ thông thường. Tương tự, không ít các vận động viên chuyển giới và liên giới ở các bộ môn thể thao khác cũng phải chọn tiếp tục cuộc chơi bằng việc đọ sức với các đối thủ nam.
Sự khác biệt về thể chất giữa nam và nữ là quá rõ ràng, nên việc để các vận động viên chuyển giới - liên giới thi đấu với các vận động viên nam chắc chắn sẽ là thiệt thòi cho họ
Điều này có công bằng với bản thân họ không? Hẳn là không, bởi một vận động viên nam thông thường, được phát triển cơ bắp dưới nồng độ testosterone cao trong suốt cuộc đời họ, chắc chắn sẽ có bộ cơ xương "ngon lành" hơn một vận động viên nữ chuyển giới chỉ mới bắt đầu dùng testosterone liều cao để biến đổi giới tính trong vài năm hay một vận động viên intersex ngay từ đầu đã có lượng testosterone phát triển không đủ mạnh.
Điều đó không ảnh hưởng đến thành tích mới là lạ!
Nhưng nếu đẩy họ xuống sân chơi của nữ, thì lại quá thiếu công bằng cho các đối thủ của họ. Chuyện các vận động viên chuyển giới và liên giới muốn tham gia sân chơi nữ chỉ mới được Ủy ban Olympic Quốc tế mở một mặt lưới rất nhỏ vào năm 2016, với hai nữ vận động viên chuyển giới đầu tiên đã được tham gia cạnh tranh với các nữ VĐV thông thường tại Olympic Rio.
Còn trước đó, theo điều tra và thống kê từ Vice.com, vì mục tiêu tham dự sân chơi Olympic, đến năm 2015, từng có không dưới 100 trường hợp những vận động viên chuyển giới – liên giới bị ép phải thực hiện phẫu thuật và sử dụng thuốc ức chế hormone với những di chứng rất nặng nề để được chính thức thi đấu.
Cũng vì lý đó mà không chỉ võ thuật, nhiều môn thể thao thành tích cao khác cũng rất không hữu hảo với những người chuyển giới (transgenders) và liên giới tính (intersexs).
Bởi vậy, chuyện giới tính được xác định như thế nào sẽ là điều có ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc sống, đến sự nghiệp của một vận động viên. Nào có cái gì dễ dàng kiểu "tụt quần ra xem" rồi cứ thế phán là xong!