Yếu tố võ thuật mờ nhạt trong siêu bom tấn Avengers: Endgame
Lưu ý: bài viết có một số đoạn spoil (lộ cốt truyện) nhưng đã được hạn chế đến mức tối thiểu để đảm bảo trải nghiệm của người xem.
Trước khi Avengers: Endgame ra rạp, hãng phim Marvel đã sản xuất đến 22 phần phim liên quan đến cái kết bom tấn này. Trong số đó, có gần 3/4 số lượng phim thành công môt phần nhờ yếu tố hành động - võ thuật. Nhiều nhân vật thậm chí trở thành siêu sao nhờ dấu ấn của những pha "đơn đả độc đấu".
Tony Stark là người bình thường trở thành siêu anh hùng giờ bộ áo giáp tối tân cùng cái đầu thiên tài, nhưng trong Iron Man 3, trụ mộc nhân Vịnh Xuân đã được đưa vào phim như một lời nhắc nhở rằng con người xương thịt ấy có những màn hành động hay không phải chỉ nhờ sức mạnh bộ giáp.
Trong Iron Man 3, đạo diễn đã chấp thuận ý tưởng của Robert Downey Jr khi đặt mộc nhân vào trường quay như một chi tiết giải thích về khả năng chiến đấu của nhân vật Tony Stark. Ngoài đời Robert Downey Jr tập luyện Vịnh Xuân và xem nó như "môn võ cứu sống đời mình"
Song song với hình tượng của Iron Man, Captain America còn gắn liền với võ thuật nhiều hơn thế. Gần như không sử dụng súng ống hay bất cứ vũ khí nào ngoài tấm khiên biểu tượng, mỗi lần Captain America phải nhảy vào cuộc chiến thì đó lại là một pha hành động thiên hướng võ thuật. Để thực hiện vai diễn này, Chris Evan thậm chí phải tập luyện nhiều môn võ như Quyền Anh, Kickboxing... để đảm bảo thực hiện tốt những màn đọ sức bằng võ thuật.
Tương tự như vậy, các nhân vật không có (hoặc không nhiều) siêu năng lực như Hawkeye, Black Widow, Bucky Barnes... cũng phụ thuộc rất nhiều vào những phân cảnh hành động đấm đá, những màn vắt cạn sức sáng tạo của các biên đạo võ thuật.
Dù ít hay nhiều, các nhân vật xuyên suốt dòng phim Avengers luôn có sự "dính dáng" đến bản lĩnh võ thuật, dẫn đến việc rất nhiều tập phim không thể thiếu vắng cảnh hành động võ thuật giữa những màn đấu súng, đua xe...
Sự xuất hiện của Black Panther làm cho xu hướng điện ảnh hành động - võ thuật thực sự tỏa sáng trong dòng phim Marvel. Nhà sản xuất thậm chí đã kỹ tính đến mức gửi đoàn nghiên cứu đi tìm hiểu Capoeira (Brazil) và một số môn võ thuật Đông Nam Á để làm nên phong cách võ thuật của vị vua Wakanda, biến Black Panther thành phim có độ "mặn" của chất võ xếp hàng bậc nhất hành trình 10 năm Marvel kiến tạo thế giới siêu anh hùng.
Black Panther là siêu anh hùng chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi phong cách hành động võ thuật nhưng cũng không có nhiều đất diễn trong Avengers: Endgame
Avengers: Endgame quy tụ tất cả những tên tuổi kể trên, nhưng điều kỳ lạ là chất hành động võ thuật bị giảm xuống tối thiểu. "Siêu sao đánh đấm" Black Panther xuất hiện quá trễ, Captain America chỉ có một cách đối kháng với... chính bản thân mình trong quá khứ là đáng chú ý về chất võ thuật, còn bộ đôi Hawkeye - Black Widow cũng không có nhiều đất diễn, lạc lõng giữa một bộ phim toàn những siêu anh hùng "hàng khủng".
Chất võ thuật chưa bao giờ là điều quá quan trọng trong dòng phim siêu anh hùng, nhưng nó cũng là một hương vị ấn tượng mà nhà sản xuất các phần phim đã không ít lần đau đầu khi thực hiện. Việc thiếu vắng những màn đơn đả độc đấu của các siêu anh hùng đã lùi lại hoàn toàn trong Endgame và nhường chỗ cho những cuộc đại chiến tầm cỡ. Những cuộc so tay đọ cước vẫn có nhưng không nhiều và không đủ hay để so sánh với những phần phim trước.
Đó là một chiến lược thú vị của Endgame khi chọn tập trung vào yếu tố hành động hoành tráng thay vì những màn "solo" mang tính cá nhân, dù nó thành công nhưng hẳn sẽ khiến nhiều fan thấy trống vắng giữa siêu phẩm.
Hy sinh phong cách hành động võ thuật là cái giá bắt buộc phải trả để có được một Avengers: Endgame hoành tráng hơn