85 tấm HCV Võ thuật SEA Games 31: Thành công và những điều cần nhìn lại
85 HCV, 35 HCB, 43 HCĐ là những con số mà các vận động viên võ thuật đóng góp vào thành tích chung 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Trong số 12 môn võ, có 10 môn các đội tuyển Việt Nam đứng vị trí nhất toàn đoàn, hai môn Boxing và Jujitsu giữ vị trí thứ nhì toàn đoàn.
Ở các bộ môn sở trường như Vật, Vovinam hay Kurash, các đội tuyển Việt Nam vẫn giữ vị trí số một với sự áp đảo về số lượng huy chương, cũng như trình độ với các đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, sự trở lại mạnh mẽ của các vận động viên Wushu, Taekwondo, Karate và đặc biệt là Judo giúp những đội tuyển này quay trở lại vị trí đứng đầu trong khu vực. Trong đó, bộ môn Judo với 9 nhà vô địch đánh dấu kỉ lục mới về số huy chương vàng trong một kì SEA Games (vượt qua thành tích 7 HCV ở SEA Games 2009 tại Lào). Hay các nữ võ sĩ Boxing đã tái lập thành tích 3 HCV ở một kì đại hội đã làm được từ năm 2015.
Con số 85 HCV của võ thuật Việt Nam tại SEA Games 31 tất nhiên cũng phá vỡ các kỉ lục đã lập nên trước đó. Dù vậy, ngoài vấn đề về số lượng, hãy nhìn những thành tích này theo một góc độ khác: khả năng vươn xa hơn ở những bộ môn Olympic.
Boxing: 3 HCV - 2 HCB - 2 HCĐ
Judo: 9 HCV - 2 HCB - 4 HCĐ
Jujitsu: 2 HCV - 1 HCB - 2 HCĐ
Karate: 7 HCV - 2 HCB - 6 HCĐ
Kickboxing: 5 HCV - 6 HCĐ
Kurash: 7 HCV - 5 HCB - 5 HCĐ
Muay: 4 HCV - 6 HCB - 1 HCĐ
Pencak Silat: 6 HCV - 2 HCB - 5 HCĐ
Taekwondo: 9 HCV -5 HCB - 3 HCĐ
Vovinam: 6 HCV - 6 HCB - 2 HCĐ
Wrestling (Vật): 17 HCV - 1 HCB
Wushu: 10 HCV - 3 HCB - 7 HCĐ
Khoảng cách với khu vực để vươn tầm Olympic
Với môn Taekwondo, 4 trên 9 HCV của đoàn Việt Nam thuộc về các nội dung quyền, tức ở phần còn lại, chúng ta vẫn chỉ ngang bằng đối thủ mạnh nhất trong khu vực là đội tuyển Thái Lan - nơi các tấm huy chương vàng của họ đều thuộc về nội dung đối kháng.
Trong đó, gương mặt được kì vọng có khả năng cạnh tranh Olympic như Trương Thị Kim Tuyền vẫn ở một khoảng cách khá xa với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Panipak Wongpattanakit.
Ở giải lần này, Kim Tuyền đã phải chấp nhận cắt cân sâu xuống hạng 46kg so với hạng 49kg sở trường để tránh đụng độ Panipak. Với những gì đôi bên đã thể hiện, khả năng để nữ võ sĩ sinh năm 1997 soán ngôi đối thủ từng giành HCV ASIAD 2018 và HCV Olympic 2020 là rất khó.
Nếu như ở Taekwondo, Trương Thị Kim Tuyền vẫn có cơ hội chứng tỏ khả năng ở hạng 46kg với tấm huy chương vàng, các võ sĩ Boxing nam lại chưa thể tìm ra một gương mặt sáng giá để đứng trên đỉnh cao khu vực một lần nữa.
Với sự vắng mặt của Nguyễn Văn Đương vì Covid-19, hi vọng được đặt vào tay Trương Đình Hoàng và người đồng đội Trần Văn Thảo trong lần trở lại đội tuyển quốc gia sau 4 năm.
Dù vậy, Trương Đình Hoàng đã có một trận đấu đáng quên với những chấn thương không mong muốn, dừng bước hành trình SEA Games 31 với huy chương Đồng. Trong khi đó, “The Trigger” Trần Văn Thảo cũng không thể vượt qua nhà đương kim vô địch Rogen Ladon của Philippines - đây cũng là trận chung kết duy nhất của Boxing nam Việt Nam tại SEA Games năm nay.
Tấm HCB của Trần Văn Thảo có thể không phải là nỗi thất vọng quá lớn khi đối thủ của anh là người đã đánh bại HCV ASIAD 2018 Amit Panghal (võ sĩ Ấn Độ đã loại Trần Văn Thảo ở bán kết) để lên ngôi tại giải Boxing Thái Lan mở rộng hồi tháng 3 vừa qua. Ở đội tuyển quốc gia Philippines, Rogen Ladon cũng là cái tên cạnh tranh sòng phẳng suất dự SEA Games với Carlo Paalam (HCB Olympic Tokyo 2020). Đây là một ví dụ rõ nét nhất về khoảng cách, cũng như số lượng võ sĩ của Việt Nam có thể cạnh tranh với các đối thủ cùng hạng tại các môn võ Olympic như Boxing.
Cần phải nhắc lại rằng, lần cuối cùng Boxing nam Việt Nam có một tấm huy chương vàng SEA Games đã từ 7 năm về trước, khi Trương Đình Hoàng lên ngôi ở hạng 75kg. Từ đó tới nay, hành trình tìm lại vinh quang của các võ sĩ luôn bị cản trở bởi những tay đấm Thái Lan hay Philippines, không ít trong số đó đều là những đại diện đã ghi danh ở đấu trường Olympic.
Hy vọng đặt vào các nữ vận động viên
Nếu như các đồng nghiệp nam luôn vất vả với những cuộc cạnh tranh ngay từ sân chơi khu vực, các nữ võ sĩ Việt Nam đang cho thấy “mối duyên” trong việc tìm đường ra biển lớn.
Tại SEA Games lần này, một lần nữa các nữ võ sĩ chứng minh được thực tế đó khi đụng độ các đối thủ mạnh. Điển hình nhất chính là tấm huy chương vàng Boxing của Trần Thị Linh ở hạng 60kg.
Để đứng trên bục cao nhất, Trần Thị Linh đã phải vượt qua hai đối thủ rất mạnh là Sudaporn Seeoondee (HCV SEA Games 2019, HCĐ Olympic 2020) tại tứ kết và Nesthy Petecio (HCV SEA Games 2019, HCV Thế giới 2019, HCB Olympic 2020) tại bán kết, trước khi đánh bại đại diện đến từ Indonesia - Huswatun Hasanah để đứng trên bục cao nhất.
Từng là một tay đấm không được đánh giá quá cao ở đấu trường quốc nội, giờ đây Trần Thị Linh đang thể hiện sự tiến bộ của bản thân khi được trao, hay đúng hơn là phải đối đầu với các tên tuổi lớn. Hành trình của nữ võ sĩ người Thanh Hóa ở sàn đấu quốc tế có thể bắt đầu từ thành công tại SEA Games năm nay.
Hay một trường hợp khác là Nguyễn Thị Tâm, tay đấm người Thái Bình tiếp tục cho thấy phong độ cao, vượt trội hoàn toàn trước các đối thủ cùng hạng cân 51kg trong khu vực. Mục tiêu của Tâm trong tương lai chính là kì ASIAD tiếp theo, với hy vọng đổi màu tấm huy chương đồng năm 2018. Những gì Tâm đã thể hiện cho thấy nếu một võ sĩ muốn đạt tới đẳng cấp thế giới, họ phải tạo ra một khoảng cách thực sự lớn về trình độ với các đối thủ ở Đông Nam Á.
Trong khu vực Đông Nam Á, võ thuật Việt Nam luôn được đánh giá như một thế mạnh, đóng góp không nhỏ vào thành công chung của thể thao nước nhà. Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn đang cần thêm những cái tên đủ khả năng vươn xa hơn, góp mặt trong các cuộc cạnh tranh ở đấu trường lớn hơn như ASIAD hay Olympic.