Nan giải chuyện CLB được đền bù do dính “virus FIFA”
"Trở về làm nghĩa vụ ĐTQG" luôn là cụm từ mà nhiều HLV và CLB ghét cay ghét đắng. Lần triệu tập cho loạt trận Vòng loại World Cup 2018 từ cuối tuần này đến giữa tuần sau cũng không phải ngoại lệ.
Trong vòng 1 tuần tới sẽ quãng thời gian dành cho loạt trận vòng loại World Cup 2018. Các đội tuyển quốc gia đã gọi đủ quân số cho 2 trận đấu của mình. Và đây cũng là lúc xảy ra không ít trường hợp “dở khóc dở cười” liên quan đến vấn đề nhân sự mà nói thẳng ra là những rủi ro chấn thương có thể xảy đến với các cầu thủ khi họ về làm nghĩa vụ quốc gia.
Điển hình nhất là vụ đội tuyển Colombia nhất quyết triệu tập James Rodriguez bất chấp tiền vệ ngôi sao 25 tuổi bị chấn thương. Real đã phải điều bác sĩ của CLB đi cùng James đến tập trung ở ĐT Colombia.
Colombia hứa hẹn sẽ không sử dụng đội trưởng ở trận đấu với Paraguay vào Thứ Sáu tới. Nhưng họ đang kỳ vọng James kịp hồi phục cho trận đại chiến với Uruguay vào ngày 11/10.
Ngược lại với James, Messi khăng khăng lên tuyển dù đang trong giai đoạn hồi phục chấn thương. Thư ký của đội tuyển Argentina, ông Jorge Miadosqui, còn phải lên tiếng khuyên nhủ Leo nên biết cách "chăm sóc bản thân" và "đừng cố ra sân trong mọi phút".
Rốt cuộc sau khi làm việc với cả CLB Barca lẫn LĐBĐ Argentina, HLV trưởng Edgardo Bauza quyết định lùi ngày trở lại của Messi - người trước đó tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia sau trận chung kết Copa America 2016.
Bên cạnh Messi và James, còn rất nhiều trường hợp khác “cố đấm ăn xôi” khi lên tuyển để rồi dính phải “Virus FIFA”. Nhưng dù thế nào thì các CLB cũng sẽ được FIFA đền bù theo đúng như thỏa thuận.
Như tại kỳ EURO 2016 vừa qua, UEFA đã phải bỏ ra số tiền kỷ lục 150 triệu euro để trả phí "mượn" cầu thủ cũng như những chấn thương mà cầu thủ các CLB thành viên của LĐBĐ châu Âu dính phải khi góp mặt tại EURO.
Bayern: 3,1 triệu euro
Real: 3
Barca: 2,2
Man City: 2,1
Juventus: 2
100 triệu euro trong số đó tới tay những đội bóng có cầu thủ chơi ở vòng chung kết tại Pháp, và 50 triệu euro còn lại thuộc về CLB có cầu thủ tham dự chiến dịch vòng loại.
Ở kỳ EURO trước đó tại Ba Lan & Ukraine, UEFA đã phải trả 100 triệu euro cho tổng cộng 575 CLB, với tỷ lệ 60% (cho các đội có cầu thủ đá VCK) và 40% (cho các đội có cầu thủ đá vòng loại).
CLB nhận được nhiều "tiền"đền bù" nhất từ EURO 2012 là Bayern với 3,1 triệu euro. Tiếp đến là Real (3), Barca (2,2), Man City (2,1) và Juventus (2).
Còn ở World Cup 2014, Bayern vẫn dẫn đầu nhưng chỉ thu về 1,6 triệu euro, trong khi hàng loạt các đội xếp sau như Real, Chelsea, Barca, Man Utd hay Arsenal chỉ nhận trung bình trên dưới 1 triệu euro. Con số này được cho là chưa thấm tháp gì, đặc biệt trong trường hợp những ngôi sao trụ cột lĩnh lương vài triệu hoặc thậm chí cả chục triệu euro/mùa trở về CLB với chấn thương.
Bayern: 1,6 triệu euro
Real: 1,2
Chelsea: 1,1
Barca, Man Utd, Napoli, Arsenal: 1
Tranh chấp quyền lợi sử dụng cầu thủ giữa CLB với các LĐBĐ quốc gia hay việc đền bù thỏa đáng "phí mượn" cũng như tổn thất do dính chấn thương vẫn là vấn đề nan giải. Tính đến lúc này, UEFA vẫn chưa thống kê về số tiền chi trả cho các CLB có cầu thủ dự EURO 2016.
Nhưng chắc chắn nó chẳng đủ để bù đắp cho Real khi Ronaldo “dặt dẹo” suốt vài tháng qua từ sau trận chung kết ở Pháp mà anh sớm phải rời sân với cái đầu gối chườm đá.
Ở chiến dịch vòng loại World Cup 2018, các ngôi sao như Modric, Suarez, Aguero hay Neymar từng “tập tễnh” khi hết nghĩa vụ quốc gia và khiến Real, Barca hay Man City “méo mặt”.
Và giờ thì nhiều CLB có lý do để mà lo lắng.
Luật "đền bù" của FIFA
LĐBĐ thế giới sẽ đền bù tối đa 7,5 triệu euro cho các CLB với mỗi trường hợp chấn thương. Con số này được tính dựa trên mức đền bù mỗi ngày tối đa là 20.548 euro, chi trả trong tối đa 365 ngày.