Trung Quốc và thất bại sặc mùi tiền ở vòng loại World Cup
Đó là chưa kể các nhà đầu tư Trung Quốc còn không “vãi” tiền đầu tư cho giải VĐQG Trung Quốc với hàng loạt thương vụ bom tấn. Không nói đâu xa, các CLB Trung Quốc đã chi đến 208 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm ngoái, vượt xa giải đấu vẫn nổi tiếng về việc “ném tiền qua cửa sổ” như Premier League (127 triệu bảng).
Sau Nicolas Anelka, Didier Drogba, đến lượt Ramires, Paulinho, Robinho, Gervinho, Jackson Martinez, Lavezzi, Alex Teixeira và mới nhất là Hulk, Graziano Pelle cũng chạy theo tiếng gọi của đồng tiền để chuyển sang chơi bóng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một thống kê của Talk Sport chỉ ra rằng, 4/10 cầu thủ nhận mức lương cao nhất thế giới đến từ giải vô địch quốc gia Trung Quốc. Nổi bật trong số này là Hulk, cầu thủ hưởng lương cao nhất Trung Quốc, 20 triệu euro/năm, chỉ thua đúng Lionel Messi, Cristiano Ronaldo và Neymar.
Và không chỉ có các cầu thủ, hàng loạt HLV danh tiếng như Sven Goran-Eriksson, Luiz Felipe Scolari, Marcello Lippi, Felix Magath hay Manuel Pellegrini cũng được mời đến làm việc tại quốc gia đông dân nhất thế giới với mức đãi ngộ cao ngất ngưởng chẳng kém gì các đồng nghiệp tại châu Âu.
Mặt khác, các nhà đầu tư Trung Quốc còn từng bước thực hiện thâu tóm các đội bóng của “Lục địa già”. Chỉ riêng năm 2016, các ông chủ đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới đã mua lại cổ phần củ 12 CLB tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italia. Tiêu biểu là thương tập đoàn Sino mua lại AC Milan và Inter Milan rơi vào tay Suning Group Holdings. Tính ra, các nhà đầu tư Trung Quốc đã “nướng” đến 1,6 tỷ bảng cho tham vọng sở hữu các đội bóng châu Âu.
Nhưng dù không tiếc tiền đầu tư thì bóng đá Trung Quốc vẫn chưa nhận lại thành quả tương xứng. Minh chứng là đội tuyển quốc gia nước này vừa phải hứng chịu thất bại tủi hổ trước Syria tại vòng loại World Cup 2018.
Nghịch lý ở chỗ, Syria có dân số kém Trung Quốc 76 lần và quan trọng hơn nữa là quốc gia Trung Đông này đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề về con người, kinh tế và xã hội bởi cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt 5 năm qua.
Hầu hết các tuyển thủ Syria đều rời bỏ quê hương để trốn chạy một kết cục bi thảm như Jihad Qassab, cựu đội trưởng ĐTQG Syria bị tra tấn đến chết trong một nhà tù của chính quyền Tổng thống Assad. Đội tuyển quốc gia nước này cũng phải tổ chức các trận đấu sân nhà tại vòng loại World Cup 2018 ở Oman. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, các cầu thủ Syria vẫn ra sân thi đấu với tinh thần cao nhất.
Chiến thắng 1-0 ngay trên sân của Trung Quốc tại lượt trận thứ 3 của vòng loại cuối cùng World Cup 2018 giúp Syria vươn lên xếp thứ 4 tại bảng A với 4 điểm.
Trong khi đó, Trung Quốc tụt xuống vị trí áp chót bảng xếp hạng với vỏn vẹn một điểm, kém hai đội dẫn đầu đến 6 điểm. Thậm chí, ngay cả cơ hội xếp thứ 3 để giành chiếc vé tham dự trận play-off cũng mong manh không kém khi Uzbekistan đã tích lũy được 6 điểm.
Dĩ nhiên, kết quả này không thể nào khiến NHM Trung Quốc hài lòng. Ngay sau thất bại trước Syria, hàng nghìn người đã tập trung trước trụ sở Liên đoàn bóng đá Trung Quốc để yêu cầu Chủ tịch Cai Zhenhua từ chức.
Video NHM Trung Quốc yêu cầu Chủ tịch Cai Zhenhua từ chức
Bên cạnh đó, nhiều người còn kêu gọi sa thải HLV trưởng Gao Hongbo để thay thế bằng HLV trưởng đội tuyển ... bóng chuyền nữ Trung Quốc, Lang Ping, người vừa mang về tấm HCV Olympic lịch sử.
Thậm chí, một thành viên của mạng xã hội Weibo còn buông lời mỉa mai rằng: “Syria, một đất nước bị chiến tranh tàn phá trong nhiều năm cùng HLV trưởng đội tuyển quốc gia chỉ nhận lương 2.000 nhân dân tệ/tháng. Vậy mà họ vẫn đánh bại đội tuyển Trung Quốc với những cầu thủ đút túi hàng triệu nhân dân tệ/tháng”.
Video những thất bại của đội tuyển Trung Quốc tại vòng loại World Cup 2018