Vòng loại World Cup 2018: Vì Nam Mỹ khó nhằn, Argentina có thể ra rìa?
Argentina có thể không vượt qua vòng loại World Cup 2018, đặc biệt sau "sự cố Messi". Vậy có phải đá vòng loại ở Nam Mỹ còn khó khăn hơn so với ở châu Âu?
Ở loạt trận Vòng loại World Cup vừa diễn ra trong hơn 10 ngày đã chứng kiến cú vấp ngã của hai ông lớn. Hà Lan đã bị đẩy xuống vị trí thứ 4 bảng A sau thất bại trước Bulgaria, kết quả khiến “Cơn lốc màu da cam” đối mặt nguy cơ vắng mặt tại Nga Hè năm sau hiện rõ hơn bao giờ hết. Thực tế, Hà Lan cũng đã phải làm khán giả ở EURO 2016 được tổ chức tại Pháp vào mùa Hè năm ngoái.
Video Hà Lan bất ngờ gục ngã trước Bulgaria
Trong khi đó, tại Nam Mỹ, nhà ĐKVĐ Chile cũng văng khỏi vị trí giành vé đến Nga vào mùa Hè 2018 sau thất bại trước Argentina. Nhưng bi kịch hơn, Argentina sau trận thắng cũng nếm trải ngay cay đắng tột cùng.
Không hẳn là trận thua Bolivia sáng qua khiến Argentina chôn chân ở vị trí thứ 5 - suất phải đá Play-off với đại diện châu lục khác - mà đáng sợ hơn là án phạt treo giò 4 trận nhắm vào siêu sao đội trưởng Messi chỉ được FIFA công bố vỏn vẹn... 6 tiếng trước trận đấu với Bolivia.
Chưa rõ liệu Argentina có kháng án thành công hay không, nhưng chắc chắn một điều, hành trình tìm vé đến Nga Hè năm sau chưa bao giờ chông gai và mịt mù với những vũ công Tango như lúc này.
Video Argentina "phơi áo" trên sân Bolivia
Từ Hà Lan đến Argentina, việc 2 ĐT đã góp mặt ở 6 trận chung kết Cúp thế giới tính từ năm 1970 trở lại đây, đang gặp trở ngại trên hành trình kiếm vé dự World Cup đặt ra câu hỏi, đá vòng loại ở Nam Mỹ hay Châu Âu khó nhằn hơn?
Về lý thuyết, việc cạnh tranh 4 suất trực tiếp và 1 suất đá Play-off của 10 đội bóng Nam Mỹ sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn việc giành giật 13 tấm vé tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của 54 đội bóng châu Âu.
Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy.
Với thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt đi-về, các đội bóng Nam Mỹ - với trình độ đẳng cấp ngày càng được rút ngắn cách biệt - chỉ cần một cú sảy chân cũng khiến vị trí trên BXH tổng thay đổi đáng kể, và tính chất đua tranh cực kỳ căng thẳng, khốc liệt.
Ngược lại, 54 đội bóng châu Âu lại được chia thành 9 bảng, mỗi bảng có 6 đội tranh tranh tài để chọn ra 9 đội giành vé trực tiếp. Ngay cả 8 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất cũng sẽ được dự trận play-off tranh 4 tấm vé vớt.
Nói cách khác, các đội hạt giống ở khu vực châu Âu (dựa theo vị trí trên BXH FIFA) như Đức, Bỉ, Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha hay Croatia sẽ có cơ hội lọt vào những bảng đấu cực kỳ dễ thở với các đối thủ nhược tiểu như Đảo Faroe, Latia, Lithuania, Kosovo, San Marino, Luxembourg, Liechtenstein, Malta, Andorra, …
Với cách chia bảng như hiện tại, vòng loại khu vực châu Âu sẽ chỉ có khoảng 1-2 bảng tử thần, ví như Hà Lan đụng Pháp ở bảng A, Tây Ban Nha chạm trán Italia ở bảng G.
Như thế, cơ hội tham dự vòng chung kết World Cup của các đại diện châu Âu, đặc biệt là các ông lớn, sẽ nhiều hơn các đại diện Nam Mỹ. Hay nói cách khác, cuộc đua tranh tại Cựu lục địa không quá căng thẳng ở đa số các bảng đấu.
Để minh chứng, Đức chưa bao giờ thất bại ở vòng loại. Italia cũng chỉ có 1 lần sẩy chân, trong khi các ông lớn Anh, Tây Ban Nha và Pháp cũng chỉ lần lượt 3, 4 và 5 lần không vượt qua vòng loại.
Tính ra, Bồ Đào Nha lại trở thành ông lớn hiếm hoi vắng mặt tại ngày hội bóng đá thế giới rất nhiều vì không vượt qua vòng loại, tổng cộng 13 lần.
Trong khi đó, ngoài Brazil chưa bao giờ vắng mặt ở World Cup hay Argentina chỉ có 1 lần thất bại ở vòng loại, các ông lớn khác của bóng đá Nam Mỹ như Uruguay (6 lần), Chile (8 lần) hay Colombia (10 lần) lại không ít lần lỡ hẹn với lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Dĩ nhiên, thể thức thi đấu và chất lượng các đội bóng không hoàn toàn quyết định kết quả ở vòng loại World Cup và tranh cãi về độ khó ở vòng loại World Cup tại 2 khu vực trên chưa thể chấm dứt.
Tuy nhiên, cách giải thích trên đây cũng sẽ mang lại cho NHM một góc nhìn về việc giành giật một tấm vé tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh ở 2 nền bóng đá mạnh nhất thế giới