Campuchia tuyên bố chơi tấn công trước Việt Nam: Lời thách thức hay trò nghi binh?
Ở lượt trận thứ 4 ngày 15/12, Campuchia đánh bại Lào với tỷ số 3-0. Sau trận đấu, HLV Ryu Hirose cho biết: “Ba bàn vào lưới Lào là minh chứng rõ nhất cho sự tiến bộ của chiến thuật mà chúng tôi đang theo đuổi.
Đó là chiếm quyền kiểm soát bóng lâu nhất có thể để áp đặt thế trận tấn công. Chúng tôi tiếp tục dâng cao tấn công bất chấp đối thủ là ai. Campuchia sẽ chơi thứ bóng đá này trong trận đấu cuối gặp Việt Nam”.
Đội tuyển Campuchia đã bị loại với chỉ 3 điểm sau 3 trận đấu. Tuy nhiên, Campuchia luôn gây bất ngờ trước các đối thủ. HLV Ryu Hirose từng tuyên bố, kể cả chơi với Brazil, Campuchia vẫn theo đuổi triết lý bóng đá tấn công, kiểm soát bóng.
Ba trận đấu vừa qua, các cầu thủ Campuchia chứng minh, tuyên bố của vị chiến lược gia người Nhật Bản hoàn toàn có cơ sở. Các chỉ số thống kê đã khắc họa phần nào lối chơi của đội bóng này. Theo thống kê từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFF), ở cả ba trận đấu, Campuchia đều chiếm tỷ lệ kiểm soát bóng cao hơn so với đối thủ.
Trong trận đấu gặp Lào, họ kiểm soát bóng với thời lượng lên đến 65%, tung ra 18 pha dứt điểm và có ba bàn thắng. Không chỉ kiểm soát bóng tốt ở trận đấu với đối thủ đồng cân đồng lạng, Campuchia còn khiến tất cả ngỡ ngàng với chỉ số này ở hai trận gặp Malaysia, Indonesia.
Cả hai đều được đánh giá vượt trội so với đội bóng của HLV Ryu Hirose. Tuy nhiên, ở trận gặp Indonesia, Campuchia kiểm soát bóng 55%, tung ra 13 cú sút và có hai bàn thắng. Trước đó, Campuchia ghi 1 bàn ở trận gặp Malaysia sau 14 cú sút được tạo ra và kiểm soát bóng lên đến 57%.
Những con số “biết nói” đó chứng tỏ Campuchia không chỉ tuyên bố suôn. Keisuke Honda cùng các cộng sự xây dựng lối chơi rõ ràng cho đội bóng.
Ở trận đấu cuối, liệu chăng, HLV Ryu Hirose có thể áp dụng lối chơi tấn công trước đội tuyển Việt Nam?
Sau chiến thắng 4-2 trước chính Campuchia vào ngày 12/12, HLV Shin Tae Yong cho biết, Indonesia sẽ chơi tấn công trước bất cứ đối thủ nào, kể cả tuyển Việt Nam. Thế nhưng, sau khi trận đấu khép lại, ông thừa nhận, Indonesia đã phải chơi tử thủ để đạt mục tiêu giành một điểm.
Ở trận hòa 0-0, Indonesia chỉ kiểm soát bóng 30%, tung ra đúng 1 pha dứt điểm và không trúng đích. Tuyển Việt Nam đang là đội bóng có chỉ số kiểm soát bóng tốt nhất sau các trận vòng bảng ở bảng B.
Trước đó, những chiến binh Rồng Vàng có tỷ lệ kiểm soát bóng lên đến 76%, tung ra 23 cú sút ở trận thắng Lào với tỷ số 2-0. Con số này là 53%, 14 cú sút ở chiến thắng 3-0 trước Malaysia.
HLV Park Hang Seo từng tuyên bố, ông “thách” Indonesia chơi tấn công, nhất là khoét vào hai cánh của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, đội bóng xứ vạn đảo chỉ nghi binh khi tử thủ trong suốt 90 phút. Trước các đội bóng bị đánh giá thấp hơn, đội tuyển Việt Nam sẽ dễ dàng áp đặt lối chơi nếu đối thủ không “dựng xe bus hai tầng” trước hàng thủ.
HLV Phạm Minh Đức nhận định, thời điểm này, đội tuyển Việt Nam đủ sức chơi pressing tầm cao trước mọi đối thủ ở Đông Nam Á, trừ Thái Lan. Một trong yếu tố quan trọng để tuyển Việt Nam áp đặt cách chơi tấn công này lên đối thủ là đẳng cấp cùng lực lượng được đánh giá cao hơn.
Ở trận đấu cuối, Campuchia muốn chơi tấn công trước Việt Nam. Đó là cách nhập cuộc HLV Park Hang Seo mong muốn. So với Indonesia, đội bóng của HLV Ryu Hirose đã bị loại. Đây sẽ là sự khác biệt trong cách chơi của hai đội khi đối đầu với tuyển Việt Nam.
Người hâm mộ vẫn hy vọng, tuyên bố chơi tấn công trước Việt Nam của HLV Campuchia là lời thách thức đến những chiến binh Rồng Vàng. Từ đó, người hâm mộ có thể chờ đợi trận cầu mãn nhãn giữa Việt Nam vs Campuchia.