Mới vô địch châu Á 2 tháng, vì sao đội 4x400m tiếp sức nữ Việt Nam vẫn hụt huy chương ASIAD 19?
Nội dung thi đấu cuối cùng cũng chính là niềm hy vọng cứu vãn một tấm huy chương cho điền kinh Việt Nam tối qua, 4x400m tiếp sức nữ, rốt cuộc đã không như kỳ vọng mong đợi.
Hơn 2 tháng trước đội hình 4x400m với các cô gái Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng mới vô địch châu Á với thông số 3 phút 32 giây 36.
Tối qua đội hình này giữ nguyên thứ tự chạy và cũng đạt SB (thông số tốt nhất mùa giải) với thành tích 3 phút 31 giây 61. Nhưng thậm chí thành tích này con chưa đủ để giúp các cô gái đội 4x400m chạm tay vào tấm HCĐ ASIAD 19.
Vì sao như vậy...?
Khi... 1 giây vẫn chưa đủ
Đầu tiên nhìn vào thông số thành tích, rõ ràng 4 chân chạy Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng đã cải thiện so với giải châu Á tại Thái Lan. 4 cô gái đã chạy nhanh hơn hơn 0,75 giây. Nên nhớ, ở nội dung chạy tốc độ, dù là tiếp sức, việc cải thiện thành tích từ vài phần chục giây đến 1-2 giây cũng rất đáng kể.
Trả lời phỏng vấn trước ngày đội hình 4x400m lên đường sang Thượng Hải tập huấn hồi giữa tháng 8, HLV của đội Vũ Ngọc Lợi từng chia sẻ, mục tiêu thành tích phải kéo xuống thêm 1 giây hoặc hơn thế so với khi vô địch châu Á mới có cơ hội tranh chấp huy chương ASIAD, chứ chưa bàn đến chuyện có tranh được HCV hay không.
Thực tế dù thành tích đội 4x400m nữ đã tốt hơn giải châu Á, nhưng vẫn không thể kéo thông số xuống 1 giây trở lên.
Và kinh khủng hơn, tối qua đội xếp thứ 3 Sri Lanka đã cán đích với thành tích vỏn vẹn 3 phút 30 giây 88.
Nói ngắn gọn, sau khi vô địch châu Á, để có tấm HCĐ ASIAD 19, bộ tứ Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng phải chạy nhanh hơn tối thiểu... 1,5 giây.
Quân bài tẩy giấu trong tay áo
4 năm trước ở ASIAD 2018 bộ tứ Lan - Ngọc - Oanh - Hằng từng giành HCĐ nội dung 4x400m tiếp sức nữ với thành tích 3 phút 33 giây 23. Để so sánh, thông số đó tối qua chỉ đủ xếp... hạng 5.
Điều này đã phản ánh rõ chất lượng chuyên môn, trình độ thi đấu, mức độ canh tranh ngày càng được đẩy lên cao rất khốc liệt khi mặt bằng thành tích của VĐV các nước liên tục được cải thiện.
Và đặc biệt những đối thủ rất mạnh trong khu vực ở nội dung này như Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc... có lực lượng VĐV dồi dào để lựa chọn, trong khi Bahrain như ở "một thế giới khác" với dàn chân chạy "nhập khẩu" từ châu Phi.
Thực tế, đội hình 4x400m Việt Nam hiện tại chỉ còn Nguyễn Thị Hằng từng đấu ở ASIAD 2018, tức là đã thay đổi tới 3 vị trí, nhưng bộ tứ Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng đã "fix cứng" các vị trí chạy chính từ SEA Games 32 đến giải châu Á và giờ là ASIAD.
Gương mặt trẻ Hoàng Ánh Thục được đăng ký từ đầu với vai trò dự bị, hay thậm chí chân chạy 800m Nguyễn Thu Hà cũng có tên với tư cách dự bị trong danh sách đội hình 4x400m theo công bố từ BTC ở ngày thi đấu gần như chỉ là "có mặt thủ tục".
Trong khi đó, so với đội hình xếp thứ 3 ở giải châu Á, khi về đấu trường ASIAD, đương kim vô địch Ấn Độ đã tung ra 2 chân chạy mới trong đó có "quân bài tẩy" Ramraj Vithya. Chính gương mặt này lĩnh ấn tiên phong và ở lượt chạy đầu Vithya đạt thông số ấn tượng 48 giây 86, bám sát đối thủ Bahrain (48.54'').
Đặc biệt, đối thủ từng mất HCV châu Á vào tay đội Việt Nam là Sri Lanka cũng thay 2/4 chân chạy khi thi đấu ở ASIAD 19 tối qua. Hai vị trí mới của Sri Lanka lần lượt được lắp vào lượt chạy thứ 2 và 3.
Còn nhớ, tại giải châu Á, ở lượt chạy thứ 3 Nguyễn Thị Huyền đã bứt tốc tuyệt vời để từ vị trí thứ 3 vượt qua VĐV Sri Lanka (và 1 chân chạy Nhật Bản) sau đó trao gậy cho Nguyễn Thị Hằng chạy cuối khi đã dẫn đối thủ Sri Lanka đến cả chục mét. Tấm HCV châu Á đến từ bước ngoặt đó.
Nhưng người chạy thứ 3 của Sri Lanka tối qua, Mendis (52 giây 34''), dù vẫn bị Huyền (51 giây 71'') đánh bại, nhưng rõ ràng cách biệt thành tích đã không còn chênh lệch ghê gớm như ở giải châu Á.
Thế nên, Nguyễn Thị Hằng khi nhận gậy chạy cuối dẫn trước đối thủ còn lại của Sri Lanka, Dissanayaka không là bao.
Hệ quả, VĐV tốt nhất mà Sri Lanka "cất giấu" để dành cho lượt chạy cuối (51 giây 06'') đã đánh bại Nguyễn Thị Hằng (52 giây 19'') ở khoảng 200m cuối cùng và giành lấy tấm HCĐ ASIAD.
Rõ ràng, không thể nói đây là thất bại cay đắng, bởi sự thật ở giải châu Á những đối thủ đều ém quên chưa bung hết sức và nhìn nhận một cách sòng phẳng, đội hình 4x400m tiếp sức nữ Việt Nam cũng chỉ nhắm đến mục tiêu "có huy chương", tức là hiểu rõ thực lực mình đến đâu.
Điều tích cực đáng ghi nhận là nỗ lực đạt thông số thành tích mới tốt nhất mùa giải (3 phút 31 giây 61). Nhưng sau đây rất cần những sự bổ sung chất lượng cho đội hình 4x400m nữ, qua sàng lọc tìm kiếm VĐV, bởi ở tuổi 30 đây có thể là giải đấu lớn cuối cùng của Nguyễn Thị Huyền, và ít nhất "bài học ASIAD" phản ánh chính xác nhất thực lực của nội dung mũi nhọn điền kinh Việt Nam đang ở ngưỡng nào.