Sau 5 năm Thể thao Việt Nam tụt lùi khó tin thế nào ở ASIAD 19?
Việt Nam tham dự ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) với 332 VĐV, dự tranh ở 31/40 môn. Khép lại kỳ Á vận hội này, Việt Nam giành 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, xếp thứ 21.
Trong đó, ba môn thi giành HCV là bắn súng, karate, cầu mây. Karate cũng là môn thành công về số lượng huy chương nhất khi có 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ.
Bắn súng, cầu mây cùng giành 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Các tấm huy chương còn lại thuộc về cờ tướng (1 HCB, 1 HCĐ), TDDC (1 HCB), wushu (3 HCĐ), taekwondo (3 HCĐ), rowing (3 HCĐ), bơi (2 HCĐ). Các môn boxing, Ju Jitsu, Kurrash giành 1 HCĐ.
Tổng cộng, Việt Nam có 12 môn giành huy chương. Đây là thành tích khá khiêm tốn, thậm chí thụt lùi nếu lấy hệ quy chiếu là ASIAD 18. Tại kỳ Á vận hội được tổ chức ở Indonesia, Việt Nam góp mặt ở 33 môn với 253 VĐV.
Đoàn giành 5 HCV, 15 HCB, 19 HCĐ, xếp thứ 16 chung cuộc. Không chỉ giành số lượng HCV nhiều nhất từ trước đến nay, ở ASIAD 18, Việt Nam còn đoạt đến 39 tấm huy chương, từ 14 môn.
Trong đó, điền kinh gây ấn tượng mạnh. Lần đầu tiên trong lịch sử, điền kinh Việt Nam ca khúc khải hoàn ở sân chơi lớn nhất châu lục. Bùi Thị Thu Thảo có cú nhảy thần kỳ để đoạt HCV nhảy xa. Quách Thị Lan được đôn lên nhận HCV sau khi đối thủ về nhất bị dính doping ở cự ly 400m rào nữ. Bốn cô gái vàng rowing cũng giành HCV thuyền bốn nữ hạng nhẹ.
Hai môn thi đấu này đều nằm trong chương trình Olympic. Hai tấm HCV còn lại thuộc về pencak silat. Đặc biệt, dù không giành HCV nhưng một số môn của thể thao Việt Nam gây tiếng vang lớn. Lần đầu tiên, bơi lội có HCB ở ASIAD. Tấm huy chương quý giá đó thuộc về kình ngư Huy Hoàng ở 1.500m. Ngoài ra, kình ngư quê Quảng Bình còn đoạt 1 tấm HCB ở 800m.
Cử tạ cũng lần đầu có 2 HCB thuộc về Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh. Wushu giành 2 HCB, 3 HCĐ. Đặc biệt, bóng đá đã tạo nên cột mốc lịch sử. Lần đầu tiên, Olympic Việt Nam vào đến bán kết và suýt chạm tay vào huy chương khi thất bại ở loạt sút luân lưu trước UAE ở trận tranh HCĐ. Bóng đá nữ cũng tiến vào trận tứ kết.
Song, ở ASIAD 19, thể thao Việt Nam đã không phát huy vị thế số 1 Đông Nam Á. Một số môn trọng điểm không thành công. Điền kinh trắng tay dù nhiều năm liên tiếp thống trị khu vực. Ngoại trừ 4x400m nữ, thành tích của các VĐV đều kém xa so với thông số có huy chương.
Bóng đá là môn mang đến nỗi thất vọng lớn nhất. Cả Olympic Việt Nam lẫn ĐTQG nữ đều dừng bước ở vòng bảng. Dù Olympic chỉ cử đa số U20 nhưng với thể thức chọn đến 16/21 đội vào vòng 1/8, bị loại sớm là điều đáng tiếc. ĐTQG nữ vừa tham dự World Cup 2023 song cũng thất bại ngay vòng bảng dù bảng đấu có cả Bangladesh lẫn Nepal thật khó chấp nhận.
Tất cả đó đặt ra bài toán cho ngành thể thao Việt Nam khi chỉ sau ba năm, Việt Nam tranh tài ở ASIAD 20 tại Nhật Bản.