Xạ thủ Olympic Trịnh Thu Vinh: "Bài học vỡ lòng" ASIAD 19 và "mối rối" cần được gỡ
Bắn súng Việt Nam tại ASIAD 19 đã mang lại những nốt thăng về cảm xúc đầy ấn tượng. Nổi bật hơn cả chính là tấm huy chương vàng của Phạm Quang Huy, một “con nhà nòi" trong làng bắn súng với tấm huy chương vàng có được buổi trưa ngày 28/9.
Nhưng xen lẫn vào khoảnh khắc thăng hoa ấy là nốt trầm, nỗi buồn và cả nước mắt của một VĐV được kỳ vọng khá cao tại Á Vận Hội lần này, đó là Trịnh Thu Vinh.
Là xạ thủ duy nhất của đội tuyển bắn súng Việt Nam có vé dự Olympic Paris 2024 ngay trước ASIAD 19, Thu Vinh lại là cái tên có thành tích không tốt với phong độ thiếu ổn định khi bước vào những loạt bắn quyết định, xuất phát chủ yếu từ áp lực tâm lý.
Không phải tự nhiên mà Trịnh Thu Vinh được kỳ vọng lớn đến vậy ở ASIAD 19. Nó xuất phát từ tài năng thực sự mà cô gái sinh năm 2000 này sở hữu.
Ngay trước thềm Á Vận Hội, Thu Vinh thể hiện tâm lý cực kỳ vững vàng ở giải vô địch thế giới (ISSF World Championship 2023) diễn ra ở Baku, Azerbaijan. Cô đứng hạng 5 chung cuộc ở nội dung 10m súng ngắn hơi cá nhân nữ, giành suất dự Olympic Paris 2024.
Đây không chỉ là thành tích quan trọng với đoàn thể thao Việt Nam (suất Olympic thứ 2) mà còn với cá nhân Thu Vinh bởi cô sẽ góp mặt ở đấu trường danh giá nhất thế giới trong môn bắn súng.
Cộng thêm huy chương SEA Games 32 và huy chương bạc giải vô địch châu Á cũng trong năm 2023, Trịnh Thu Vinh được kỳ vọng sẽ toả sáng cho ĐT bắn súng Việt Nam ở ASIAD 19.
Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như mong đợi của người hâm mộ và cả cá nhân xạ thủ sinh năm 2000.
Tại Hàng Châu, Trịnh Thu Vinh tham dự 2 nội dung chính là 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn thể thao nữ (bao gồm cá nhân và đồng đội).
Cô khởi đầu rất tốt ở vòng loại nội dung 25m súng ngắn thể thao, có số điểm cao thứ hai toàn đoàn ở vòng bắn chậm chính xác (precision) diễn ra ngày 26/9.
Nhưng việc phải thi đấu vòng bắn nhanh (rapid) sau một ngày đã khiến Thu Vinh bị mất nhịp. Viên đạn thứ hai ở loạt bắn nhanh của Vinh chỉ mang về 87 điểm, dấu hiệu cho thấy tâm lý của cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào.
Từ số điểm cao thứ hai toàn đoàn, Trịnh Thu Vinh rơi xuống hạng 27 (tổng điểm 571) và không thể lọt vào chung kết. Thậm chí cô còn đứng thấp hơn hai đồng đội là Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thuỳ Trang.
HLV Trần Quốc Cường đã phải an ủi học trò khi thấy cô bật khóc sau phần thi không tốt, cố gắng làm công tác tư tưởng để cải thiện tâm lý cho Thu Vinh vì cô vẫn còn nội dung 10m súng ngắn hơi ở phía trước.
Mọi thứ tưởng chừng sẽ khá hơn khi nữ xạ thủ 23 tuổi một lần nữa thi đấu tốt ở vòng loại 10m súng ngắn hơi. Nhưng rồi kịch bản Vinh bắn không tốt ở chung kết đã tái diễn.
Thu Vinh đứng thứ 4 ở vòng loại với 580 điểm, bằng kỷ lục bắn vòng loại cũ của ASIAD trước khi hai xạ thủ Trung Quốc là Zhao Nan và Jiang Ranxin lập kỷ lục mới (581 điểm).
Tại loạt bắn chung kết, Vinh không giữ được phong độ và chỉ đạt được hạng 6 chung cuộc. Cô “sống sót" qua loạt shoot-off với Zhao Nan nhưng sau đó phải rời cuộc chơi do thấp điểm hơn Jiang Ranxin.
Bản lĩnh, sự tự tin và phong độ ổn định là điều mà Trịnh Thu Vinh còn thiếu. Cá nhân xạ thủ sinh năm 2000 thừa nhận rằng cô bắn không tốt ở loạt chung kết do chưa được cọ xát nhiều, cộng thêm áp lực tâm lý từ việc bị loại ở phần thi 25m.
“Bản thân em từ trước đến nay bắn chung kết chưa được tốt nên cũng có áp lực. Thành tích 25m không tốt cũng làm em lo lắng hơn, nặng tâm lý hơn”, Trịnh Thu Vinh chia sẻ.
“Các thầy cô đã nói chuyện với em khá nhiều, khuyên em đã xong nội dung nào thì mình bỏ qua để hướng đến nội dung mới, thi đấu tốt hơn. Nhưng kết quả vẫn không như ý muốn".
"Thu Vinh vẫn bị tự giằng xé bản thân vì chưa tự tin, nhất là ở chung kết. Bước vào vòng chung kết thì áp lực nặng quá, ban huấn luyện cũng đang tìm cách để gỡ rối cho Thu Vinh nhưng hai bên vẫn chưa làm được", HLV Trần Quốc Cường nói về cô học trò.
Phải bước ra thực chiến mới thấy việc rèn giũa và được trải nghiệm các giải đấu quốc tế là điều cần thiết như thế nào, nhất là với một VĐV trẻ như Thu Vinh.
Điểm tích cực là tương lai của cô vẫn còn dài. Quan trọng hơn là quá trình chuẩn bị cho Olympic 2024 còn đến 9 tháng. Đây sẽ là khoảng thời gian rất quan trọng để Trịnh Thu Vinh tìm lại sự tự tin, tiếp tục nỗ lực để cải thiện mình.
“Về thành tích vòng loại thì số điểm vẫn tương đương với lúc tập luyện, riêng phần thi chung kết thì hơi kém so với bản thân. Chắc chắn em không hài lòng với kết quả này, nhưng đây sẽ là một bài học để em trở về rèn luyện thêm để bắn tốt hơn nữa".
Chia sẻ thêm về việc tâm lý thi chung kết đang trở thành vấn đề chung của VĐV bắn súng Việt Nam, ông Cường cho rằng: "VĐV Việt Nam thường bị tâm lý do ít có sự rèn luyện. Các VĐV nước ngoài họ được thi đấu nhiều hơn, vào chung kết nhiều hơn.
Mục tiêu khi bắn chung kết của họ cũng khác, họ đặt mục tiêu đạt số điểm tốt nhất có thể, không đặt vấn đề huy chương lên đầu. Còn VĐV mình đặt vấn đề huy chương lên cao, vào chung kết gây ra áp lực lớn hơn, làm VĐV mình khó bắn hơn".
Riêng với Thu Vinh, ASIAD 19 này dù có kết quả không tốt nhưng vẫn là một bước chuẩn bị cho Olympic. Được bắn chung kết đã là một hình thức rèn luyện bởi cô vốn không có nhiều cơ hội được cọ xát.
Trước mắt đội tuyển bắn súng Việt Nam là giải vô địch châu Á, diễn ra vào cuối tháng 10 tại Changwon, Hàn Quốc. Đây sẽ là một cơ hội quý báu khác để Thu Vinh tìm lại phong độ và sự tự tin, đặt thêm một viên gạch hướng đến Olympic Paris mùa hè năm sau.