Nhiều tuyển thủ Italia dự EURO 2016 “lơ mơ” tiếng Anh
Đến với EURO 2016, Lorenzo Insigne là cầu thủ có trình độ tiếng Anh tệ nhất của đội tuyển Italia, trong khi Stephan El Shaarawy đạt mức tốt nhất.
Đội tuyển Italia bước vào cuộc chinh phục EURO 2016 sau khi đã để mất chức vô địch cách đây 4 năm. Cả thế giới sẽ hướng sự quan sát đến giải đấu cấp châu lục này khi việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trở nên thông dụng và phổ biến. Đối với đội quân Thiên thanh, làm thế nào để biết được trình độ tiếng Anh của các cầu thủ tham dự giải đấu cũng như hiểu được tầm quan trọng về ngôn ngữ ở giải đấu này?
Theo một nghiên cứu gần đây của ABA Inglese, học viên tiếng Anh trực tuyến với hơn 10 triệu học sinh trên toàn thế giới, Insigne là tuyển thủ Italia có trình độ tiếng Anh tệ nhất ở Azzurri, tiếp theo là Leonardo Bonucci và Antonio Candreva. Cũng trong cuộc khảo sát, “vương miện” dành cho cầu thủ có trình độ tiếng Anh điêu luyện nhất thuộc về El Shaarawy, tốt hơn cả hai đàn anh Gianluigi Buffon và Giorgio Chiellini.
Nhìn chung, trình độ tiếng Anh của đội tuyển Italia tham dự EURO 2016 rất khiêm tốn. Có tới 62% các cầu thủ áo thiên thanh có kiến thức về ngôn ngữ này ở mức sơ cấp và chỉ có 35% đạt trình độ trung cấp. Sau đó, có vỏn vẹn 3 cầu thủ đạt trình độ cao đối với thứ ngôn ngữ này.
Vậy nếu đem so sánh với các đội tuyển khác góp mặt tại EURO 2016, Italia đứng ở vị trí nào? Trên bảng xếp hạng tổng thể, Azzurri đứng thứ sáu. Theo nghiên cứu, dẫn đầu ở giải vô địch châu Âu năm nay về trình độ tiếng Anh là các đội tuyển Đức, Thụy Điển, Bỉ, Thụy Sĩ và Pháp.
Nếu sự chú ý được chuyển sang đội trưởng, gần như tất cả những người Italia được hỏi (97%) đều trả lời cầu thủ đầu lĩnh này phải biết tiếng Anh, trong số này 26% cho rằng nên biết song ngữ, 44% khẳng định phải nói tốt và cho 27% nói ít nhất nên hiểu ngôn ngữ. Ngược lại, 3% người Ý tin rằng đội trưởng của đội tuyển quốc gia Italia là không cần thiết để nói tốt ngôn ngữ của đại thi hào Shakespeare.
Từ trước tới nay, tiếng Anh luôn được coi là phương tiện tốt nhất để giao tiếp giữa các cầu thủ bóng đá. Dĩ nhiên, thứ ngôn ngữ này cũng có quan trọng đặc biệt ở một giải đấu cấp lục địa như EURO. 62% người dân Italia tin rằng tiếng Anh được dùng như là một ngôn ngữ chung trong bóng đá và cho phép những người tham gia - gồm người hâm mộ, cầu thủ và các chuyên gia - giao tiếp, không phân biệt nơi diễn ra các trận đấu. Tuy nhiên, 18% số người trả lời không đồng ý với tuyên bố này, trong khi 20% là không có ý kiến.
Ngày nay tiếng Anh càng được xem như là ngôn ngữ quốc tế, ngay cả trong thế giới bóng đá. Điều này có lẽ cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc một cầu thủ chọn cho mình đội bóng mới khi có ý định ra đi.
Nếu như El Shaarawy đã học hỏi được đáng kể trình độ tiếng Anh trong thời gian ngắn giao tiếp với các đồng đội tại Monaco thì Insigne hẳn phải trau dồi thứ ngôn ngữ này nếu muốn chuyển đến Premier League. Ở kỳ chuyển nhượng năm ngoái, Arsenal đã đưa ra đề nghị rất hấp dẫn cho tiền đạo của Napoli, nhưng không rõ có phải do hạn chế về trình độ tiếng Anh hay không mà anh quyết định từ chối.