Những kì tích trên bàn billiards của cơ thủ Việt
Đánh bại “thầy phù thủy” Efren Reyes
Chắc chắn, ai yêu thích bộ môn billiards cũng biết đến danh tiếng của Efren Reyes với những đường cơ “ảo diệu” đến mức không thể tin được. Thế nhưng “thầy phù thủy” người Philippines đã từng phải gác cơ trước những vận động viên Việt Nam, không chỉ một mà đến hai lần.
Người đầu tiên làm được điều này là tay cơ Lương Chí Dũng, khi đánh bại Efren Reyes với tỉ số 9-5 tại giải San Miguel Asian 9 ball, tại Jakarta năm 2005. Ở giải đấu đó, Lương Chí Dũng đã gây bất ngờ khi vào đến tận bán kết và ra về với tấm HCĐ cùng 8000 USD tiền thưởng. Tuy nhiên, đây không phải là kì tích duy nhất của Lương Chí Dũng, bởi tay cơ Việt Nam đã từng nhiều lần đánh bại những tay cơ nổi tiếng thế giới khác như Earl Strickland hay Ronato Alcano. Cũng chính nhờ những chiến công vang dội này, mà một thời gian dài, Lương Chí Dũng trở thành “biểu tượng” của làng billiards Việt Nam và hình ảnh của anh trở thành “sức mạnh quảng cáo” cho rất nhiều phòng billiards tại Hà Nội.
Người còn lại của làng billiards Việt Nam đánh bại “thầy phù thủy” Efren Reyes là tay cơ Mã Minh Cẩm, trong trận đấu tại bán kết nội dung carom 1 băng của SEA Games 28. Ở trận đấu này, Mã Minh Cẩm vượt lên dẫn trước 80-56, trước khi để tay cơ Philippines gỡ hòa 84-84, nhưng khoảnh khắc thiếu tập trung sau đó đã khiến Efren Reyes phải nhìn tay cơ Việt Nam ghi 16 điểm liên tiếp để kết thúc trận đấu. Sau trận đấu này, “thầy phù thủy” đã quyết định giải nghệ ở tuổi 60, trong khi Mã Minh Cẩm gây ra một bất ngờ khác khi để thua người đồng hương Trần Phi Hùng ở trận chung kết dù đã có lúc dẫn đến 90-53.
Chịu khuyết tật vẫn mang vinh quang về cho Tổ Quốc
Ở thời kì đỉnh cao phong độ, cựu cơ thủ Đặng Đình Tiến được ví như độc cô cầu bại ở nội dung Carom 1 băng khi đã sưu tầm đủ hết những danh hiệu cao quý nhất với một cơ thủ Việt Nam, từ VĐQG, vô địch châu Á cho đến HCV Sea Games, HCV Asian Indoor Games. Thế nhưng, ít ai biết đằng sau thành công vang dội trên bàn billiards, cơ thủ Đặng Đình Tiến đã phải nỗ lực vượt bậc để vượt qua những khó khăn trở ngại từ việc bị cụt mất hai đốt ngón tay út ở bàn tay phải, do một tai nạn khi làm mộc. Điều đó khiến ông phải đổi thế cầm gậy, nỗ lực gấp nhiều lần những cơ thủ khác, rồi biến chính khiếm khuyết của mình thành lợi thế khi nghĩ ra những “chiêu độc” để đánh bóng cả gần bàn lẫn xa bàn. Giờ đây, khi đã giải nghệ, cơ thủ sinh năm 1960 này vẫn dành rất nhiều thời gian đến những phòng billiards, bởi đó là đam mê đã ngấm sâu vào máu của ông.
Nếu như cơ thủ Đặng Đình Tiến đã giải nghệ, thì Đỗ Hoàng Quân vẫn đang là một trong những cơ thủ hàng đầu của billiards Việt Nam, với một tấm HCĐ nội dung pool 9 bóng ở Sea Games 28 vừa qua, còn trước đó là tấm HCV tại Sea Games 25. Và cũng giống như Đặng Đình Tiến, tay cơ Đỗ Hoàng Quân đã phải vượt qua những khó khăn không nhỏ từ căn bệnh loạn sắc. Chứng bệnh khiến người ta không thể phân biệt được các màu sắc, trong khi đó, nội dung pool 9 bóng lại đòi hỏi các cơ thủ phải đánh bóng lần lượt theo thứ tự và màu sắc của từng loại bi. Điều đó, khiến Đỗ Hoàng Quân phải chọn cách đi vòng quan bàn, nhớ kỹ số thứ tự của các viên bi để tính toán cho những nước đánh, lâu dần cũng thành quen và nếu nhìn qua không ai có thể biết được những khó khăn mà tay cơ này gặp phải. Hiện tại, Đỗ Hoàng Quân đang đặt mục tiêu trở thành tay cơ đầu tiên của Việt Nam có thể tự sống được bằng billiards, nhờ tham dự các giải đấu quốc tế.
Bảo Long