Cần nhiều hơn những ngày hội thể thao cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam
Trao đổi về vấn đề quan tâm đến trẻ tự kỷ ở TP.HCM nói riêng và trẻ tự kỷ Việt Nam chung; đặc biệt các em mắc bệnh tự kỷ được giao lưu tiếp sức, thể hiện khả năng của mình với xã hội qua các môn thể thao; bà Trần Mai Thúy Hồng – Phó trưởng phòng quản lý TDTT Sở Văn Hóa Thể Thao TP.HCM cho hay: “Đây là lần thứ 4, hội thao dành cho thầy cô giáo và các em tự kỷ được Sở Văn Hóa và Thể Thao TP.HCM phối hợp cùng mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN) tổ chức.
Tất cả nhằm tạo sân chơi cho các bé có điều kiện rèn luyện các môn thể thao nâng cao sức khỏe, tạo môi trường các em tương tác xã hội để phát triển khả năng của mình. Thật sự chúng tôi mong muốn tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa cho thầy cô và các em tự kỷ. Chúng tôi hiểu đó là điều cần thiết”.
Được biết, thông qua hội thi giành cho thầy cô và trẻ tự kỷ tại TP.HCM năm 2020 sẽ căn cứ thành tích tốt nhất lựa chọn, tiếp tục tập luyện các em để tham dự giải bơi lội toàn quốc giành cho trẻ tự kỷ.
Chia sẻ về cảm xúc và định hướng phát triển cho các em, bà Hồng nói thêm: “Tạo sân chơi cho trẻ tự kỷ, chúng tôi cảm thấy vui vì đã làm được một điều gì đó, mang lại nụ cười cho các em.
Thực tế, có nhiều trường tự dạy các em, cũng có phụ huynh tự tìm thầy đầu tư dạy bơi, đá bóng... Hiện tại Sở Văn Hóa Thể Thao đang phối hợp mạng lưới tự kỷ Việt Nam, duy trì lớp thứ 3-5 dạy thí điểm 10 bạn bơi tại Trung tâm Yết Kiêu.
Sau hai tháng các bạn có sự thay đổi nhất định, 10 ngày đầu mỗi bạn mỗi nơi, nhưng sau 2 tháng các bạn tương tác tốt với thầy, làm động tác cơ bản khi bơi. Nhưng đây chỉ là chương trình thí điểm đưa vào giảng dạy, nếu mọi thứ thuận lợi sẽ mở rộng thêm về các trường, trung tâm cơ sở để được chủ động hơn trong cách hướng dẫn và dạy văn hóa kết hợp rèn luyện sức khỏe”.
Nói về lần đầu tiên đăng cai hội thao, Giám đốc Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu – ông Chung Tấn Phong cho hay: “Trong lần đăng cai đầu tiên, chúng tôi ấn tượng không khí tổ chức, cách thể hiện đặc biệt trẻ em tự kỷ.
Dù mệt các em vẫn có nụ cười trên môi, một số em chưa kiểm soát cảm xúc, hành vi, hành động vẫn diễn ra theo suy nghĩ cá nhân. Tuy nhiên, qua sân chơi này các em biết cùng nhau phấn đấu, lắng nghe lời người lớn, đó là 1 thành công.
Sân chơi này tạo cho các em tính kỷ luật, đưa các em vào khuôn khổ. Dù mức độ thể hiện chưa cao, mục tiêu các em biết điều chỉnh hành vi việc làm của mình, hòa nhập tốt với các bạn trẻ khác”.