Cơ thể của Michael Phelps thay đổi như thế nào sau 5 kỳ Olympic

thứ hai 8-8-2016 15:26:31 +07:00 0 bình luận
Tại Rio 2016, khả năng hồi phục các bó cơ của Michael Phelps đã khác nhiều so với lần đầu tiên anh tham dự Olympic năm 2000.

Tại Rio 2016, khả năng hồi phục các bó cơ của Michael Phelps đã khác nhiều so với lần đầu tiên anh tham dự Olympic năm 2000.

Và tại Olympic trên đất Brazil, Michael Phelps đã già hơn 16 tuổi so với cậu thiếu niên đứng thứ 5 cự ly 200m bơi bướm nam ở Sydney 2000.

Dù không phải người lớn tuổi nhất đội tuyển bơi lội Mỹ (Anthony Ervin 35 tuổi), nhưng đây đã là kỳ Olympic thứ 5 mà Michael Phelps tham dự, đồng thời là lần thứ 2 Phelps chuẩn bị nghỉ hưu. Anh từng rời khỏi đường đua xanh một lần sau Olympic London 2012.

Để làm rõ hơn về những thay đổi có ảnh hưởng đến phong độ của Phelps tại Olympic ở Rio, xem ra cần tham khảo ý kiến của Anne Friedlander - giảng viên bộ môn Sinh lý học cơ thể người tại đại học Stanford và cựu trưởng khoa Vận động của Trung tâm nghiên cứu Lão hóa thuộc trường đại học Standford.

Michael Phelps đã 31 tuổi

"Các cơ bắp trên cơ thể cậu ấy (Phelps) chưa lão hóa quá nhiều, nhưng đã ở mức có thể gây ảnh hưởng đến thành tích", giảng viên Friedlander cho hay. "Mà chỉ cần tốc độ bị chậm lại đến một phần trăm giây cũng đã đủ quyết định tấm huy chương vàng rồi."

Thành tích của Phelps trong vòng tuyển chọn đội bơi Olympic ở Rio tương đối gần với thành tích mà anh đã đạt được tại Olympic London 4 năm trước.

Ở nội dung 100m bơi bướm, anh đã chạm đích trong 51", nhanh hơn thành tích 51"14 tại London. Ở hai nội dung còn lại, thành tích của anh đã giảm xuống: từ 1'53"65 (năm 2012) lên 1'54"84 (năm 2016) ở 200m bơi bướm và từ 1'54"84 (năm 2012) lên 1'55"91 (năm 2016) ở 200m bơi hỗn hợp.

Trả lời phỏng vấn, Phelps cho biết anh không thể tham dự 5 nội dung như trước do kế hoạch nghỉ ngơi và hồi phục của anh cần có thay đổi. "Cảm giác chân của tôi khi đạp nước không còn được như trước nữa.", Phelps nói.

Sau khi thực hiện 3 chặng đua, hai lần 100m bơi bướm và 1 lần 200m bơi hỗn hợp tại vòng loại đội tuyển Quốc gia Mỹ, anh tuyên bố: "Tôi chỉ muốn được massage, ngâm mình vào thùng nước đá 10 độ rồi về nhà ngủ."

Phelps trên đường đua 200m hỗn hợp ở vòng loại Olympic 2016

"Đối với Phelps, vấn đề lớn nhất hiện tại là thời gian để các bó cơ của anh ấy hồi phục.", Friedlander nhận xét, "Khi bạn còn trẻ, các cơ sẽ đốt cháy năng lượng hiệu quả hơn, phản ứng nhanh và mạnh hơn."

Tác động cơ học và hóa học từ việc tập luyện thể thao sẽ làm hư hao các sợi cơ. Cảm giác đau nhức sau đó là một phần của quá trình hồi phục. Các tế bào gốc tạo cơ (satellite cells) vốn được dự trữ ở khoảng gian bào giữa các sợi cơ sẽ được kích hoạt, nhân lên và biệt hóa thành các sợi cơ. Chúng sẽ xây dựng lại tổ chức bó cơ và khiến nó trở thành một bó cơ khỏe hơn.

"Các tế bào gốc tạo cơ không phải là vô hạn. Bạn càng lớn tuổi, chúng càng ít đi và khó hoạt hóa hơn.", Friedlander giải thích. Theo giảng viên Friedlander, giải pháp cho việc này là có một kế hoạch tập huấn thông minh hơn, với nhiều thời gian nghỉ hơn. "Với điều kiện hiện tại, Phelps không nên thi đấu ở các nội dung có thời gian gần sát nhau. Cậu ấy cần thời gian hồi phục.", cô nói.

Thi đấu liên tục khiến các bó cơ đã lão hóa không được hồi phục hoàn toàn trước nội dung thi đấu tiếp theo, kéo theo những cơn đau cơ. Ví dụ tại vòng loại tuyển chọn dự Olympic 2016, Phelps đã phải xuống nước lần nữa để thi 100m bơi bướm chỉ 30 phút sau khi nội dung 200m hỗn hợp kết thúc. Mặc dù vào đến vòng chung kết bơi bướm, Phelps chỉ đứng thứ 6.

"Tối đó thật kinh khủng. Tôi đã rất đau. 100m bơi bướm cuối cùng rất đau.", Phelps cho biết, "Tôi chưa từng phải chịu đựng một cơn đau nào tương tự thế."

Trong bó cơ có hai loại sợi cơ, một chú trọng sức mạnh/sức bật (loại 1) và một chú trọng sức bền (loại 2). Việc có kế hoạch tập luyện thích hợp sẽ dẫn đến sự thay đổi về tỉ lệ tạo thành hai loại sợi cơ này. 

"Nếu để lão hóa một cách tự nhiên, người ta sẽ mất dần các sợi cơ tạo sức bật và chỉ còn nhiều sợi cơ tạo sức bền hơn.", Friedlander nói., "Tuy nhiên cơ thể người sẽ thay đổi để đáp ứng những thách thức mà nó gặp phải."

"Nếu tập luyện trong thời gian ngắn nhưng mỗi lần đều với sức mạnh lớn nhất, cơ thể sẽ biệt hóa các sợi cơ loại 1 để tăng sức mạnh. Nếu tập luyện đều đặn chầm chậm, cơ thể sẽ biệt hóa ra nhiều sợi cơ loại 2 hơn để tăng sức bền. Do đó việc sắp xếp thời lượng và cường độ tập luyện là rất quan trọng", Friedlander phân tích.

Olympic Rio sẽ là lần thứ 5 Michael Phelps tham dự Olympic

Một thay đổi khác liên quan đến lão hóa là việc các tế bào không còn nhiều ty thể - các "lò phản ứng" cung cấp năng lượng cho tế bào. Sự thiếu hụt ty thể dẫn đến axit lactic không thể tiếp tục được oxy hóa hoàn chỉnh để tạo ra năng lượng. Axit lactic bị tích tụ lại, không chỉ phá hủy tế bào, gây đau cơ mà còn ảnh hưởng đến các cấu trúc khác của cơ thể.

"Cậu ấy có thể không còn khả năng oxy hóa axit lactic hiệu quả như thời trẻ nữa.", Friedlander nêu giả thiết.

Theo Michael Phelps, nồng độ axit lactic trong máu anh sau 200m hỗn hợp và 100m bơi bướm là 5 mmol/L, gấp 5 lần người bình thường ở trạng thái nghỉ. Sau 1 lượt 100m bơi bướm nữa, con số đó nhảy vọt đến 13 mmol/L. Đó là lý do Phelps đối mặt với cơn đau khủng khiếp tại vòng loại tuyển chọn dự Olympic.

"Điều tích cực là việc tập thể thao sẽ làm hoãn lại quá trình lão hóa.", Friedlander bổ sung, "Phelps chắc chắn có sức mạnh của cơ, khả năng hồi phục và khả năng sinh năng lượng của tế bào mạnh hơn nhiều so với một người bình thường ở tuổi 31."

Ngoài ra, không phải mọi thứ liên quan đến lão hóa đều là xấu.

Với nhiều năm trên đỉnh thế giới và 4 lần thi đấu tại các kỳ Olympic, Phelps có nhiều kinh nghiệm. Anh cũng đã đối mặt với những sóng gió cuộc đời và vượt qua chúng. Phelps từng nói anh ghét bơi lội khi Olympic 2012 kết thúc, nhưng cuối cùng thì tình yêu với đường đua xanh đã dẫn anh trở lại Rio năm nay.

Ngành tâm lý học đã chỉ ra rằng cảm giác kiệt sức phần nhiều phụ thuộc vào tâm lý mệt mỏi của vận động viên hơn là sự quá tải của cơ bắp. Một Michael Phelps giàu kinh nghiệm vẫn có khả năng vượt mặt các vận động viên trẻ nếu có tâm lý vững vàng hơn. Vì vậy, biết đâu đấy, dù cơ bắp đã lão hóa, Phelps vẫn giành chiến thắng thì sao?

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội