Nghịch lý của bóng chuyền Mỹ và tham vọng thâu tóm thế giới bằng siêu giải đấu
Trên bản đồ bóng chuyền thế giới không thể phủ nhận tầm vóc của các đội bóng tới từ châu Âu, với những Nga, Ý, Pháp, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ , Serbia thay nhau thâu tóm các giải đấu lớn từ nam tới nữ. Dù vậy không thể không nhắc tới những đội bóng tới từ các châu lục khác như Nhật Bản, Trung Quốc của châu Á, hay Brazil và Mỹ tới từ châu Mỹ.
So với những cái tên kể trên bóng chuyền nữ Mỹ không phải là quốc gia giàu truyền thống, nhưng họ đã có những bước tiến vượt bậc kể từ đầu những năm 2010. Phong trào được đẩy mạnh ở các trường Đại học là nơi chứng kiến những tài năng trẻ xuất hiện cung cấp cho đội tuyển quốc gia, đó là lý do giúp bóng chuyền nữ Mỹ bắt đầu giành được những thành tích đáng ghi nhận.
Họ vô địch FIVB World Grand Prix 6 lần (1995, 2001, 2010, 2011, 2012, 2015), vô địch FIVB Nations League 2018, 2019, 2021, vô địch FIVB World Championship 2014 và đỉnh cao là chức vô địch đầu tiên trong lịch sử bóng chuyền nữ Mỹ tại Thế vận hội 2020.
Dù giành được không ít thành công nhưng có một nghịch lý là bóng chuyền Mỹ không có giải đấu chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do khiến những ngôi sao của họ lưu lạc thi đấu ở khắp các giải VĐQG từ Ý, Ba Lan, Brazil tới Thổ Nhĩ Kỳ,...Không phải Hiệp hội bóng chuyền Mỹ không nỗ lực xây dựng giải VĐQG, thậm chí giải đấu này từng rất nhiều lần xuất hiện nhưng cũng nhanh chóng chết yểu.
Lần đầu tiên giải bóng chuyền VĐQG Mỹ ra đời vào năm 1975 và ngưng tổ chức vào năm 1980, năm 1987 giải đấu trở lại với 6 đội nữ nhưng cũng kết thúc vào năm 1989. Năm 2002 một lần nữa giải bóng chuyền VĐQG Mỹ trở lại nhưng chỉ kéo dài một mùa giải, và lần gần nhất giải đấu cấp độ cao nhất nước Mỹ được tổ chức vào năm 2004 nhưng nhanh chóng kết thúc 1 năm sau đó.
Vấn đề lớn nhất của giải đấu là thua lỗ tài chính, bóng chuyền dù rất được yêu thích ở cấp độ học sinh/sinh viên nhưng ở cấp độ chuyên nghiệp lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Người Mỹ yêu thích những môn thể thao mang tính đối kháng và có va chạm như bóng rổ, bóng chày, MMA,... ngược lại bóng chuyền lại là môn thể thao khá lành!
Nhưng không vì thế những người yêu bóng chuyền Mỹ để cho nghịch lý tiếp tục tồn tại. Năm 2020 Hiệp hội bóng chuyền Mỹ công bố họ đang thai nghén giải đấu chuyên nghiệp mang tên League One Volleyball (LOVB), nhưng để tránh đi vào vết xe đổ quá khứ LOVB đang nỗ lực xây dựng giải đấu tương tự mô hình các giải thể thao tại Mỹ như NBA.
"Chúng tôi cần có sự chuẩn bị dài hơi để tránh những kịch bản quá khứ tái hiện, LOVB cần sự chung tay của những người yêu thể thao, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những ông chủ thực sự muốn đi xa. Thật may mọi thứ đang phát triển đúng hướng và hy vọng LOVB có thể khởi tranh theo đúng kế hoạch, sau Olympic Paris 2024", Giám đốc điều hành giải đấu Katlyn Gao chia sẻ trên tờ Bloomberg.
LOVB đã huy động được 17,4 triệu đô la Mỹ từ biểu tượng quần vợt Billie Jean King hay siêu sao NBA Kevin Durant, rất nhiều ngôi sao giải trí cũng như thể thao cũng đang muốn đầu tư vào giải đấu này. Đương nhiên họ nhìn thấy những tiềm năng của môn thể thao rất được yêu thích tại Mỹ và muốn chung tay phát triển.
Theo một cuộc khảo sát vào năm 2017 của Hiệp hội Trung học Quốc gia Mỹ, bóng chuyền là môn thể thao có tỷ lệ nữ tham gia cao thứ hai chỉ sau điền kinh. Hàng năm lễ hội bóng chuyền ở Phoenix bang Arizona thu hút tới 10.000 học sinh.
Lợi thế của LOVB là một nền tảng VĐV dồi dào được tôi rèn từ cấp độ thấp tới cao, giải đấu cấp độ Đại học NCAA của Mỹ cũng là giải bán chuyên có chất lượng hàng đầu thế giới, thu hút hàng vạn cổ động viên tới sân mỗi trận.
Nhưng đó chưa phải mục tiêu lớn nhất, tham vọng của LOVB là tạo nên một giải đấu có chất lượng chuyên môn cao nhất, quy tụ những VĐV chất lượng nhất thế giới và đương nhiên mức lương cũng là cao nhất. "Chúng tôi muốn xây dựng một giải đấu hoàn hảo nhất. Ở Mỹ không có nhiều giải đấu thể thao chuyên nghiệp dành cho nữ, nhưng bóng chuyền sẽ là một ngoại lệ", đại diện LOVB tự tin.
LOVB dự kiến quy tụ 32 đội bóng ở 17 tiểu bang trên khắp nước Mỹ thi đấu theo mô hình tương tự NBA, mỗi mùa giải kéo dài 9 tháng gồm vòng đấu bảng Regular Season và vòng đấu loại trực tiếp Playoffs.
Tạp chí bóng chuyền 20/12