Từng bị Hàn Quốc cấm xuất ngoại, chị em bóng chuyền nữ họ Lee được FIVB giải cứu ra sao?
Vào hôm nay, cặp chị em bóng chuyền nữ Lee Da Yeong và Lee Jae Yeong đã chính thức cập bến CLB PAOK Thessaloniki thuộc giải bóng chuyền hạng A1 tại Hy Lạp.
Kết quả này khép lại hành trình kéo dài hơn 3 tháng tìm đường rời khỏi Hàn Quốc để được ra sân thi đấu của chị em họ Lee, điều đã trở nên bất khả thi ở “Xứ sở kim chi” sau scandal bắt nạt thời trung học.
TÓM TẮT VỀ SCANDAL CỦA LEE DA YEONG VÀ LEE JAE YEONG
Vào tháng 2 năm nay, vụ scandal chấn động không chỉ giới bóng chuyền mà còn với cả đất nước Hàn Quốc đã xuất hiện.
Cặp chị em song sinh Lee Da Yeong và Lee Jae Yeong, hai thành viên của đội tuyển bóng chuyền quốc gia bị cáo buộc về việc đã bắt nạt đồng đội ở thời trung học.
Nạn nhân lên tiếng về ít nhất 21 cáo buộc riêng lẻ, dẫn chứng những lần cô bị chị em họ Lee đe dọa, bắt nạt khi thi đấu cùng đội bóng chuyền của trường. Ở lần nặng nhất, thậm chí nạn nhân đã bị dùng dao đe dọa bởi một trong hai người.
Bộ đôi nữ tuyển thủ bóng chuyền Hàn Quốc đã nhiều lần công khai xin lỗi bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng nạn nhân không chấp nhận và khiến vụ scandal càng trở nên ầm ĩ.
Sau khi thông tin về những cáo buộc được xác thực, Da Yeong và Jae Yeong đã lập tức bị gạch tên khỏi đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia ngay trước Olympic Tokyo. Án phạt này kéo dài vô thời hạn, ngăn cản chị em nhà họ Lee thi đấu và thậm chí là huấn luyện trong tương lai.
Ở cấp độ CLB, Heungkuk Life Insurance Pink Spiders ban đầu vẫn có ý định cho Da Yeong và Jae Yeong thi đấu tại V.League mùa giải 2021-22.
Nhưng đứng trước sức ép quá lớn của truyền thông và dư luận, giám đốc kỹ thuật đội bóng là ông Kim Yeo-il đã đưa ra quyết định gạt bỏ chị em họ Lee khỏi danh sách đội hình. Kể từ thời điểm này (tháng 6/2021), Lee Da Yeong và Lee Jae Yeong trở thành hai cầu thủ tự do.
RÀO CẢN XUẤT NGOẠI VÀ MÀN “GIẢI CỨU" CỦA LIÊN ĐOÀN BÓNG CHUYỀN QUỐC TẾ FIVB
Không còn là thành viên của bất kỳ CLB nào tại Hàn Quốc, chị em họ Lee trở thành cầu thủ tự do. Nhưng trước áp lực dư luận quá lớn và những gì CLB Heungkuk đã làm, không đội bóng nào tại V.League dám trao cơ hội cho Da Yeong và Jae Yeong.
Điều này đưa hai VĐV đến quyết định ra nước ngoài. Đây là cách duy nhất để họ có thể duy trì tập luyện và thi đấu, tìm kiếm thu nhập. Tuy nhiên, việc này vấp phải một rào cản lớn đến từ chính các đơn vị tại Hàn Quốc.
Để Lee Da Yeong và Lee Jae Yeong có thể ra nước ngoài thi đấu, họ cần có một loại giấy tờ đặc biệt là International Transfer Certificate (ITC), tạm dịch là ‘Chứng chỉ chuyển nhượng quốc tế'.
ITC sẽ được cấp khi các cơ quan quản lý, CLB chủ quản cũ, vận động viên, CLB chủ quản muốn có sự phục vụ của VĐV và tất cả những bên liên quan cùng đồng ý với thương vụ chuyển nhượng.
Chỉ có 2 đơn vị đủ quyền hạn để cấp ITC chị em nhà họ Lee là Liên đoàn bóng chuyền Hàn Quốc (KVA) và Liên đoàn bóng chuyền quốc tế (FIVB).
Quy trình sẽ dễ dàng và đơn giản hơn với KVA vì họ trực tiếp quản lý Lee Da Yeong cũng như Lee Jae Yeong. Nhưng Liên đoàn bóng chuyền Hàn Quốc đã quyết định không tham gia hỗ trợ hai nữ VĐV xuất ngoại.
Theo tờ Korean JoongAng Daily, KVA đã không giải quyết yêu cầu cho chị em nhà họ Lee, đứng ngoài mọi việc liên quan đến hai VĐV này.
Lý do và luật được liên đoàn trích dẫn rằng “cấm các cầu thủ có hành vi bạo lực, quấy rối tình dục, bán độ hoặc trốn nghĩa vụ quân sự được phép ra nước ngoài thi đấu".
Sau khi phải đối diện với quy định gần như “cấm xuất ngoại", đại diện của chị em nhà họ Lee đã liên lạc, gửi đơn lên Liên đoàn bóng chuyền quốc tế để yêu cầu xem xét. FIVB sau đó đã nhận đơn và bước vào giải quyết vụ việc.
Trải qua 2 tuần làm việc với các bên, FIVB đã quyết định cấp ITC cho Lee Da Yeong và Lee Jae Yeong vào cuối tháng 9.
Trong quá trình lấy ý kiến theo quy định, FIVB đã gặp một số khó khăn từ phía Hàn Quốc khi KVA không cung cấp đủ các giấy tờ cần thiết. Nổi bật là sao kê chi phí chuyển nhượng cho CLB tại Hàn Quốc, chứng từ rất quan trọng.
Nhưng cuối cùng, FIVB vẫn “giải cứu" chị em nhà họ Lee bằng cách cấp ITC cho cả hai, để Da Yeong và Jae Yeong hoàn tất chuyển nhượng đến Hy Lạp.
Theo góc nhìn của một tờ báo tại Hàn Quốc, việc bắt nạt ở môi trường học đường vốn xuất hiện rất nhiều và đã trở nên nghiêm trọng. Hình ảnh xấu này được dư luận đặc biệt chú ý, nhất là sau những trường hợp người nổi tiếng bị cáo buộc đã từng bắt nạt thời còn đi học.
Để tránh ảnh hưởng xấu từ cộng đồng, các tổ chức và cơ quan quản lý thường phải hành động nhanh nhất có thể để kiểm soát rủi ro, tránh việc thiệt hại về kinh tế.
Trong trường hợp của chị em nhà họ Lee, việc cả hai tuyển thủ bị cấm thi đấu và chỉ đạo ở mọi cấp độ là hơi vội vàng vì tính đến thời điểm này, các cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận cũng như án phạt cụ thể.
Trong mắt các tổ chức quốc tế như FIVB, liên đoàn bóng chuyền Hy Lạp hay CLB PAOK, nơi chuẩn bị chào đón Lee Da Yeong và Lee Jae Yeong với tư cách hai ngoại binh Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử, họ có góc nhìn khác.
Một tờ báo Hy Lạp cho rằng những cáo buộc là điều cần được xem xét kỹ lưỡng để đánh giá tư chất của VĐV. Nhưng vì Da Yeong và Jae Yeong vẫn chưa được kết luận có tội với cáo buộc hơn 10 năm trước, họ vẫn là những cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp.
Họ được phép tiếp tục sự nghiệp và duy trì việc thi đấu cho đến khi phải hầu tòa hoặc có quyết định liên quan đến giam giữ từ quốc gia quản lý.