Vì sao các đội tuyển bóng chuyền châu Á thường khởi đầu cực kỳ ấn tượng rồi hụt hơi tại VNL?
Sau loạt trận cuối cùng tại Canada, tuần 1 nội dung nam và nữ VNL 2023 đã chính thức khép lại với ít nhiều bất ngờ, trong đó những đại diện châu Á đều đang đứng đầu bảng xếp hạng. Nhật Bản sau chiến thắng ấn tượng trước ĐKVĐ Pháp đã hoàn tất tuần đấu đầu tiên với 4 trận thắng, là đội nam duy nhất toàn thắng tính tới thời điểm này.
Nội dung nữ Trung Quốc cùng với Ba Lan đang chia nhau ngôi vị số một cùng thành tích toàn thắng, đây là những tín hiệu tích cực của bóng chuyền châu Á, tuy nhiên đây không phải là câu chuyện mới. Thực tế nữ Trung Quốc hay Nhật Bản cũng thể hiện thành tích rất ấn tượng ở mùa giải năm ngoái.
Bóng chuyền nữ Nhật Bản thậm chí toàn thắng 2 tuần đầu tiên VNL 2022 với cả 8 trận đấu và liên tục đứng đầu trên BXH. Tuy nhiên sau đó vấn đề mới thực sự xuất hiện, họ để thua 4 trận còn lại ở tuần 3, trước khi gục ngã trước Brazil ở Tứ kết.
Vấn đề của Nhật Bản và các đại diện châu Á bắt đầu sa sút ở những tuần đấu sau có nhiều lý do khách quan như việc di chuyển địa điểm thi đấu liên tục, khó thích nghi với môi trường mới cũng như những vấn đề về thể lực. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất lại không phải do chính họ quyết định.
Việc lịch thi đấu dày đặc ở các giải châu Âu cũng như CEV Champions League khiến các ngôi sao lớn thường bỏ lỡ 1 đến 2 tuần đầu tiên VNL. Sau một mùa giải "cày ải" những ngôi sao của bóng chuyền thế giới cần có thời gian nghỉ ngơi và họ sẽ không vội lên tuyển.
Với thể thức của VNL, sau 3 tuần đấu vòng bảng có đến 8/16 đội lọt vào Tứ kết, vì vậy áp lực ở những tuần đầu tiên là chưa nhiều, các ngôi sao lớn cũng vì thế có thể yên tâm nghỉ ngơi trước khi trở lại. Đây cũng là vấn đề hạn chế của VNL khi chưa thể tạo nên thể thức cạnh tranh xuyên suốt giải đấu.
Khi những ngôi sao lớn như Paola Egonu, Boskovic hay Earvin N'Gapeth trở lại, họ đã có đầy đủ thể lực và tinh thần thi đấu thoải mái nhất để sẵn sàng bùng nổ ở giai đoạn quan trọng nhất của giải đấu.
Trong khi đó các VĐV châu Á sau khoảng thời gian liên tục thi đấu khó giữ được phong độ tốt nhất cũng như dễ bị bắt bài. VNL 2022 là minh chứng rõ nhất khi đội nam Nhật Bản nhanh chóng bị Pháp hạ gục 0-3 và nói lời chia tay giải. Nội dung nữ chứng kiến Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan là 3 đại diện châu Á lọt vào Tứ kết cũng nhanh chóng bị đối thủ đánh bại cùng với tỷ số 1-3.
Dù để lại không ít dấu ấn trên bản đồ bóng chuyền thế giới nhưng phải thừa nhận châu Á vẫn còn một khoảng cách nhất định với châu Âu hay châu Mỹ. Mới chỉ có đội tuyển nữ Trung Quốc thực sự vươn lên ngang hàng với các cường quốc, tuy nhiên đó đã là câu chuyện của quá khứ.
Thế nhưng những Nhật Bản, Trung Quốc, Iran hay Thái Lan vẫn đang tạo nên những mảng màu sắc hấp dẫn tại VNL, chỉ có cách cọ sát nhiều hơn mới thu hẹp được khoảng cách và đưa bóng chuyền châu Á lên một tầm cao mới.