Bóng chuyền Malaysia tìm kiếm sự hồi sinh từ bước đà SEA Games 31
Tại SEA Games 30 diễn ra cách đây hơn 2 năm, bóng chuyền Malaysia quyết định rút cả 2 đội tuyển nam/nữ vào phút chót, nguyên nhân đưa ra quyết định này theo Hiệp hội bóng chuyền Malaysia (MAVA) là do họ không có lực lượng đủ tốt.
Đó là tín hiệu xấu với những người yêu bóng chuyền quốc gia này, tuy nhiên khoảng thời gian vắng bóng tại SEA Games không phải là MAVA bỏ cuộc, thay vào đó họ đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ Đại hội tới đây tại Việt Nam.
Người đại diện phát ngôn đội tuyển nữ Malaysia ông Franco Liu chia sẻ trên tờ New Straits Times rằng MAVA tập trung vào tìm kiếm và phát triển những cầu thủ trẻ có thân hình cao lớn, họ sẽ đạt điểm rơi phong độ vào kỳ SEA Games 2025 tại Thái Lan.
"SEA Games 31 Việt Nam là khởi đầu cho hành trình của chúng tôi. Trước đó chúng tôi đã bỏ công tìm kiếm những cầu thủ cao trên 1m70 cho đội nữ và trên 1m80 ở đội nam. Độ tuổi là dưới 25 với nữ và dưới 26 với nam.
Chúng tôi mang tới Việt Nam đội hình gồm 80% là cầu thủ trẻ và 20% cầu thủ có kinh nghiệm. Mục tiêu của chúng tôi là đội tuyển nữ góp mặt tại Bán kết", ông Franco Liu cho biết.
Ngoài việc đầu tư vào các VĐV trẻ, MAVA còn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các giải đấu trong nước và thuê thêm những HLV/chuyên gia nước ngoài nhằm cải thiện đồng đều ở nhiều cấp đội.
Tại SEA Games 31, với một đội hình xây dựng trên nền tảng trẻ hóa, mục tiêu vào Bán kết với đội tuyển nữ được cho là vừa sức, trong khi đội tuyển nam Malaysia thi đấu với tinh thần cọ sát, học hỏi kinh nghiệm trước khi hướng đến những kế hoạch xa hơn.
Bóng chuyền Malaysia không để lại quá nhiều dấu ấn trong khu vực, thành tích tốt nhất của họ là giành tấm HCB năm 2001 trên sân nhà, trong khi đội nữ giành HCĐ SEA Games 1983 tại Singapore.
Vấn đề của bóng chuyền Malaysia là không có kế hoạch và sự đầu tư phù hợp, tuy nhiên với tầm nhìn xa tới SEA Games 2025 có thể thấy MAVA đang thay đổi với mục tiêu biến bóng chuyền Malaysia trở nên đáng gờm tại Đông Nam Á.