6 phương án tổ chức giải bóng chuyền VĐQG 2023
Mùa giải VĐQG 2022 đã khép lại với chức vô địch thuộc về Tràng An Ninh Bình (nam) và Geleximco Thái Bình (nữ), cùng với đó có 2 đội nam, nữ xuống hạng đó là XSKT Vĩnh Long, Bến Tre, Bamboo Airways Vĩnh Phúc và Đắk Lắk.
Mới đây, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) đã đưa ra dự thảo hệ thống thi đấu giải bóng chuyền Vô địch Quốc gia. Theo đó, thực trạng Bóng chuyền Việt Nam đòi hỏi cần có sự thay đổi, thích ứng khi ở giải VĐQG hiện đang có số lượng đội nhiều, nhiều hơn giải hạng A, đặc biệt là ở nội đung nữ. Điều này thể hiện phong trào đang dần thu hẹp lại. Trình độ chuyên môn chênh lệch lớn dẫn dến diễn biến các trận theo hướng 1 chiều, thiếu tính quyết liệt và không hấp dẫn. Ngoài ra về thời gian thi đấu vẫn chưa phù hợp, ảnh hưởng đến kế hoạch tập trung ĐTQG tham dự các giải đấu quốc tế.
Trong dự thảo, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tập huấn đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế, giải VĐQG sẽ chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn I: từ tháng 1 đến tháng 5
- Giai đoạn II: từ tháng 10 đến tháng 12
VFV đã đưa ra 6 phương án tổ chức và số lượng các đội tham gia, bao gồm:
- Phương án I: 10 đội nam và 10 đội nữ thi đấu tập trung, chia nhỏ giai đoạn thi đấu vào cuối tuần phục vụ người hâm mộ. Mỗi đội sẽ thi đấu 14 trận.
Phương án này sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thi đấu vòng tròn 2 lượt (trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5). Sau đó sẽ tính tổng điểm cả 2 vòng để xếp hạng từ 1-10. Các đội xếp hạng 9 và 10 tham dự VCK giải hạng A cùng 6 đội nam và 6 đội nữ vượt qua vòng bảng giải hạng A trong cùng năm. Hai đội nhất, nhì VCK giải hạng A được tham dự giải VĐQG năm sau.
Giai đoạn 2 sẽ thi đấu vòng tròn 1 lượt và đấu chéo ở VCK (trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12).
- Phương án II: 10 đội nam và 10 đội nữ, thi đấu tập trung
Phương án này cũng chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thi đấu vòng tròn 2 lượt (từ tháng 1 đến tháng 5). Giai đoạn 2 thi đấu vòng tròn 1 lượt và đấu chéo ở VCK (tháng 10 đến tháng 12).
- Phương án III: 10 đội nam và 10 đội nữ, thi đấu sân nhà sân khách
Giai đoạn 1 sẽ thi đấu vòng tròn lượt đi (trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5): 45 trận nam, 45 trận nữ (tổng 90 trận, mỗi tuần thi đấu 10 trận). Giai đoạn 2 thi đấu vòng tròn lượt về: 45 trận nam, 45 trận nữ. Đối với các đội từ hạng 5 đến hạng 10 sẽ đấu 18 trận, các đội từ hạng 1 đến hạng 4 sẽ đấu 19 trận.
- Phương án IV: 8 đội nam và 8 đội nữ
Giai đoạn 1 các đội sẽ thi đấu vòng tròn 2 lượt (trong khoảng tháng 1 đến tháng 5). Giai đoạn 2 thi đấu vòng tròn 1 lượt và đấu chéo ở vòng chung kết.
- Phương án V: 8 đội nam và 8 đội nữ
Giai đoạn 1 thi đấu vòng tròn 1 lượt. Giai đoạn 2 thi đấu vòng tròn 1 lượt và đấu chéo ở vòng chung kết.
- Phương án VI: 8 đội nam và 8 đội nữ, thi đấu sân nhà sân khách
Giai đoạn 1 thi đấu vòng tròn lượt đi, giai đoạn 2 thi đấu vòng tròn lượt về.
Trong trường hợp giảm xuống 8 đội trong tương lai thì trong 1-2 mùa giải tới số lượng các đội xuống hạng sẽ tăng lên, cùng với đó sự kịch tính và hấp dẫn sẽ được đẩy lên cao. Tuy nhiên, để có thể giảm xuống 8 đội thì VFV cần thêm thời gian giảm dần để không ảnh hưởng tới chất lượng giải đấu.
Theo trao đổi lấy ý kiến, hiện tại đa số các đội bóng đang tán thành với phương án I, đó là 10 đội nam và 10 đội nữ thi đấu tập trung, chia nhỏ giai đoạn thi đấu vào cuối tuần phục vụ người hâm mộ. Đến khoảng tháng 10, VFV sẽ thống nhất phương án tổ chức giải VĐQG 2023, sau đó sẽ gửi tới các đội bóng.