Đội bóng chuyền nữ Hải Dương “nghèo” đến mức khó tin như thế nào?
Đội bóng chuyền nữ Hải Dương vừa mất cơ hội dự tranh VCK giải hạng A toàn quốc 2021 một cách quá đen đủi vì liên quan đến COVID-19. Với kết cục nghiệt ngã này, thầy trò HLV Phạm Đức Dũng trải qua mùa giải thứ hai “ác mộng”. Nó càng khiến tương lai của Hải Dương, nhất là mục tiêu lên hạng trở nên mịt mờ, gắn với những khó khăn kéo dài, đặc biệt là thảm cảnh kinh phí.
Từ năm 2019 đến nay, Hải Dương đã không còn có nhà tài trợ. Việc có thêm 200-300 triệu đồng từ nhà tài trợ như những năm trước cũng chỉ còn là ước mơ với đội bóng xứ Đông, cho dù nó quá đơn giản với nhiều đội khác.
Kinh phí hoạt động của đội giờ trông cả vào nguồn bao cấp hạn hẹp của ngành thể thao tỉnh, với mức quá thấp. Nguồn kinh phí mỗi năm tỉnh cấp cho cả bộ môn, gồm 4 đội (nữ tuyến 1, nữ trẻ, nữ năng khiếu, và nam Công an) với tổng số 50 VĐV chỉ khoảng 700 triệu đồng, chưa bằng 1/10 mức trung bình của một đội tại giải VĐQG.
Với nguồn kinh phí hẻo như thế, điều kiện tập luyện thi đấu, rồi mức thu nhập, tiền công tiền ăn đều thua kém đến mức khó tin. Theo thống kê so sánh của BHL đội, trong 19 đội nữ của cả giải VĐQG và hạng A, thu nhập của Hải Dương đang đứng… thứ hai từ dưới lên.
Ngay cấp đội tuyển, cầu thủ đang có thu nhập cao nhất là 3,5 triệu đồng/tháng. Các cầu thủ tuyến trẻ và năng khiếu thậm chí chỉ có duy nhất tiền ăn 175 nghìn đồng/ngày, và không có tiền công hay bất cứ khoản nào khác. Mỗi cầu thủ chỉ được cấp 1 bộ quần áo dài, 2 bộ ngắn và 2 đôi giày phục vụ cả năm, do áp dụng theo quy định có từ cách đây… 24 năm.
Từ lâu thầy trò bóng chuyền Hải Dương đã luôn phải gồng mình gắng sức vượt khó, tập luyện và thi đấu bằng tinh thần và đam mê. Tuy nhiên, chỉ quyết tâm và nỗ lực là không thể giải quyết được gì. Trên thực tế, lực lượng của đội vừa mỏng, vừa yếu lại vừa thiếu.
Ngay đội 1 dự giải hạng A cũng chỉ có đúng 10 cầu thủ thay vì 12 hay 14 như các đội khác, với mặt bằng chung trình độ thấp. Các nhà quản lý huấn luyện luôn gặp khó, và thường xuyên bế tắc, bó tay trong việc tuyển quân, giữ quân.
Đơn cử năm 2020, đội mất liền hai cầu thủ chủ lực. Họ đã xin chia tay đội với lý do vô cùng chính đáng, để tìm kiếm cơ hội phát triển chuyên môn, đột phá về nhu nhập. Về Bamboo Airways Vĩnh Phúc, Phạm Thị Thúy nhận “lót tay” 300 triệu đồng cùng 15 triệu đồng/tháng cho bản hợp đồng 3 năm, thay vì mức thu nhập 2,5 triệu đồng ở Hải Dương.
Hay như Nguyễn Thị Thu Trang ở Hải Dương chỉ có lương 2,5 triệu đồng/tháng, chuyển đến Kinh Bắc Bắc Ninh với mức 20 triệu đồng/tháng, kèm theo 300 triệu đồng “lót tay” cho bản hợp đồng 3 năm.
Cùng với bóng bàn, bóng chuyền nữ cũng là môn truyền thống hàng đầu của thể thao Hải Dương với hai lần VĐQG vào các năm 1978 và 1980. Đội cũng luôn giữ được một vị trí trong Top 4-6 những năm 1990-2000. Thế nhưng, Hải Dương đã tụt hậu nghiêm trọng khi bóng chuyền Việt Nam đẩy mạnh xã hội hóa, khi đứng nhóm cuối ở giải VĐQG, nhóm đầu giải hạng A.
Kể từ năm 2000, đội bóng xứ Đông liên tục rơi vào nghịch cảnh với 5 lần xuống hạng và 4 lần lên hạng. Với sự đầu tư mạnh mẽ từ nhiều đội ngay ở hạng A, cùng lộ trình giảm số đội dự giải VĐQG, mục tiêu giành quyền tranh tài ở giải VĐG của Hải Dương xem ra ngày càng xa vời.
Rõ ràng bóng chuyền nữ Hải Dương đang cần một “cú hích” mang tính “giải cứu”. Có thể “cú hích” ấy đến từ một đối tác- nhà đầu tư có đủ tiềm lực, với cách làm dài hạn, bài bản. Nó cũng có thể khởi nguồn một đề án riêng của tỉnh với các giải pháp, nguồn lực đảm bảo, như hai đội bóng Kinh Bắc Bắc Ninh hay Doveco Ninh Binh có được. Tất nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây trước hết vẫn phải từ sự nhìn nhận, quan tâm, nhập cuộc của chính ngành thể thao tỉnh.