Đội bóng của Kim Huệ mất nguyên đội chính cùng 15 tài năng trẻ trong 2 năm
Trong giai đoạn đỉnh cao của mình, với cột mốc là danh hiệu vô địch quốc gia mùa 2016, đội bóng ngành ngân hàng đã gây dựng được một hệ thống đào tạo tập huấn 3 tuyến gồm 35-40 cầu thủ chất lượng cao đáng mơ ước. Họ liên tục sản ra được nhiều tuyển thủ quốc gia và tuyển thủ trẻ quốc gia hàng đầu, có thời điểm ngang ngửa hoàn toàn với “lò” số 1 Thông tin.
Thế nhưng vì nhiều lý do, trong có lớn nhất là chính sách đầu tư và cách thức quản lý nên mấy năm gần đây, Ngân hàng Công thương đã liên tục mất quân, theo cách cứ hết thời hạn hợp đồng là cầu thủ chủ động ra đi. Tình trạng “chảy máu” nhân lực của Ngân hàng Công thương khởi đầu từ trường hợp đình đám của chủ công Đinh Thị Thúy về đầu quân cho Kinh Bắc Bắc Ninh. Nó lên tới đỉnh điểm trước vòng 2 giải VĐQG 2020 khi có tới 8 cầu thủ sinh năm 2002 đồng loại xin nghỉ.
Đội đã thực sự rơi vào một cuộc khủng hoảng lực lượng ngay trước thềm vòng 1 giải năm nay khi HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt cùng ba trụ cột Lưu Huệ, Đoàn Xuân, Như Quỳnh chia tay đội để về Than Quảng Ninh. Chẳng hiểu tình thế của đội còn thảm tới mức nào nếu như Kim Huệ cùng ba học trò khác Thu Hoài, Ninh Anh, Phương Anh cũng chuyển về Vĩnh Phúc thành công. Cuối cùng, Huệ cùng ba học trò đã ở lại để cùng đội vượt qua mùa 2021 đầy gian khó, cán đích ở vị trí cuối trong 9 đội.
Ngay sau khi mùa giải không có đội xuống hạng kết thúc, phụ công Lê Thanh Thúy đã chính thức tuyên bố giã từ đội bóng và giờ đến lượt chuyền hai Thu Hoài cũng đi tìm cơ hội mới cho mình. Đây chính là hai cầu thủ trụ cột còn sót lại, đã “gồng gánh” cả đội trong cảnh lực bất tòng tâm suốt cả mùa 2021. Như vậy, nếu Thu Hoài ra đi, chỉ trong 2 năm, “đại tỷ” Ngân hàng Công thương ngày nào đã mất nguyên cả đội hình chính- dự bị tuyến 1, cùng 15 cầu thủ trẻ tuyến dưới. Điều đáng nói, quân Ngân hàng Công thương lại đang đóng vai chính, góp công chủ lực cho bước tiến của nhiều đội khác, rõ nhất như Hóa Chất Đức Giang và Than Quảng Ninh. Trận bán kết mới đây của 2 đội này tại giải VĐQG có tới 5 “người cũ” Ngân hàng Công thương thi đấu chính.
Rõ ràng đội bóng từng vô địch mùa 2016 và đến 2019 vẫn giành ngôi Á quân quốc gia Ngân hàng Công thương phải đối mặt thảm cảnh thực sự về lực lượng. Coi như họ đã “mất trắng” và phải làm lại từ đầu. Với nhân sự vừa thiếu vừa yếu hiện có, đội bóng của HLV trưởng Kim Huệ chắc chắn đã tụt hẳn xuống nhóm cuối của giải VĐQG, trong khi mùa tới sẽ có ít nhất 2 đội phải xuống hạng.