Giải bóng chuyền VĐQG hướng đến tranh tài sân nhà/sân khách, bỏ thi đấu tập trung
Cùng với thành công của đội tuyển nữ tạo đà cho bước nhảy vọt của bóng chuyền Việt Nam trong năm 2023, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn đang nỗ lực từng ngày hoàn thiện giải đấu cấp độ cao nhất trong nước nhằm tạo ra sân chơi hấp dẫn cho giải VĐQG.
Từ việc đưa ngoại binh trở lại ở mùa giải 2022 hay nỗ lực giảm số đội để gia tăng chất lượng chuyên môn, bài toán về cách thức tổ chức giải đấu cũng là câu chuyện cần phải tính đến. Bởi rõ ràng với xu thế phát triển của bóng chuyền hiện đại chúng ta cũng cần phải chuyển mình!
Từ trước đến nay giải VĐQG vốn thi đấu tập trung, vòng I và vòng II cách xa nhau cả nửa năm qua đó thiếu đi tính liên tục và sức hút với NHM bóng chuyền nước nhà. Bản thân các đội bóng cũng khó để duy trì phong độ cũng như lực lượng (nhất là ngoại binh) xuyên suốt vòng I, vòng II hay vòng Chung kết.
Dễ nhận thấy như giải VĐQG 2023 vừa qua, các đội bóng ăn tập cả năm chỉ tham dự 11 trận đấu (4 trận vòng I, 4 trận vòng II, 3 trận xếp hạng), những đội không góp mặt tại vòng chung kết thì chỉ thi đấu vỏn vẹn 8 trận vòng bảng trong một năm.
Mô hình tổ chức có phần cũ kỹ khiến Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam phải lên kế hoạch thay đổi, ngay từ mùa giải 2024 Liên đoàn đang xem xét việc các nội dung nam/nữ thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm thay vì chia làm 2 bảng như hiện tại.
Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả, tiến tới mùa giải 2025 giải bóng chuyền VĐQG có thể thi đấu sân nhà/sân khách nhằm tạo nên sự liên tục cho giải đấu, cũng như phục vụ được nhiều hơn NHM ở mỗi địa phương có đội bóng hoạt động như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Long An, Khánh Hòa,...
Đây là tín hiệu rất tích cực với giải đấu hấp dẫn nhất của bóng chuyền nước nhà giúp số lượng các trận đấu tăng vọt, tạo hiệu ứng liên tục cho giải bóng chuyền VĐQG, qua đó thu hút sự quan tâm của NHM cũng như nhà tài trợ.
Đương nhiên mỗi một kế hoạch mới ngoài ưu điểm đều có thách thức, việc tổ chức giải đấu dài hơi tạo ra nhiều khó khăn về mặt tổ chức, từ cơ sở vật chất của các địa phương, kinh phí di chuyển, ăn ở cũng như vận hành của các đội bóng cũng tăng vọt.
Dẫu vậy với xu thế phát triển không ngừng của thế giới tất cả đều hiểu rằng bóng chuyền Việt Nam cần phải làm mới mình, thay đổi từng bước để hướng đến giải VĐQG chất lượng, hấp dẫn và tạo sức hút với NHM.