Một mùa chuyển nhượng sôi động chưa từng có và tín hiệu tích cực của bóng chuyền Việt Nam
Sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong năm 2021, bóng chuyền Việt Nam đánh dấu màn trở lại với 2 sự kiện lớn, đầu tiên là việc công bố ban chấp hành mới và giải bóng chuyền Vô địch Quốc gia 2021 lần đầu được thi đấu tập trung khép kín.
Việc nhận được nguồn tài trợ của tập đoàn FLC khiến giải đấu tại Ninh Bình có mức thưởng kỷ lục, phần nào kéo theo sự đầu tư đáng chú ý của các đơn vị như Ninh Bình hay tập đoàn Hóa chất Đức Giang, tất cả tạo nên những thúc đẩy tích cực về mặt kinh tế.
Với những sự quan tâm đó, các đội bóng hướng sự tập trung đến thị trường chuyển nhượng nhằm củng cố đội hình hướng tới mục tiêu xa hơn tại giải VĐQG 2022, chính vì thế người hâm mộ được chứng kiến một kỳ chuyển nhượng sôi động chưa từng có của bóng chuyền Việt Nam.
Chỉ ít tuần sau khi giải VĐQG 2021 khép lại, có hơn 15 vụ chuyển nhượng lớn nhỏ được kích hoạt, trong đó không thiếu những bom tấn như Nguyễn Văn Quốc Duy về Tràng An Ninh Bình, Lê Thanh Thúy chuyển tới Ninh Bình Doveco, Trà Giang về Geleximco Thái Bình,...
Theo lời các chuyên gia và chủ tịch Hóa chất Đức Giang ông Đào Hữu Huyền cho biết, đó là những tín hiệu tích cực của bóng chuyền Việt Nam: "Chính việc chuyển nhượng cầu thủ làm tăng giá trị của VĐV Việt Nam lên 2, 3 tỷ thậm chí là 4 tỷ đồng. Đó mới đúng là giá trị của cầu thủ xuất sắc, họ là những tài năng của bóng chuyền Việt Nam xứng đáng nhận được mức thu nhập cao.
Làn sóng chuyển nhượng VĐV là chuyện rất bình thường trong thế giới thể thao, tăng sự hấp dẫn cho bóng chuyền Việt Nam bằng cách chuyển nhượng cầu thủ để mang lại sự mới mẻ".
Việc các đội bóng "đại gia" bỏ tiền chuyển nhượng cầu thủ là câu chuyện không bất ngờ trong thế giới thể thao, tuy nhiên người hâm mộ có quyền đặt câu hỏi về chiều ngược lại, những đội bóng không có tiềm lực sẽ phải làm thế nào? Liên đoàn bóng chuyền cần làm gì để tránh sự chênh lệch quá lớn giữa các đội bóng?
Để trả lời cho vấn đề này, Liên đoàn đã chấp nhận cho các đội tuyển chọn 2 VĐV ngoại binh với điều kiện chỉ có 1 cầu thủ trên sân. Ngoài ra vấn đề đào tạo trẻ cũng phải tính đến: "Chúng tôi rõ ràng không có tiềm lực cạnh tranh chuyển nhượng cầu thủ giỏi với những đội bóng lớn. Cách tốt nhất là tìm kiếm những cầu thủ trẻ có tố chất, đào tạo và ký hợp đồng dài hạn với họ", một HLV chia sẻ.
Nói cách khác, việc chuyển nhượng cầu thủ cũng mang lại những tín hiệu tích cực cho công tác đào tạo trẻ, các đội bóng cần phải tập trung vào công tác ươm mầm để cho ra những tài năng tương lai, ví dụ tiêu biểu là BTL Thông Tin và những thành quả mà họ nhận lại trong suốt những năm qua.
Theo như Tổng Thư ký Lê Trí Trường chia sẻ, Liên đoàn bóng chuyền đang hướng đến lộ trình giảm số đội xuống con số 8. Vì vậy các đội bóng nếu muốn trụ lại sân chơi cao nhất thực sự phải chú tâm đầu tư một cách đồng bộ.
Sau năm 2021 ảm đạm, 2022 thực sự là một năm bận rộn của bóng chuyền Việt Nam với 2 mục tiêu HCV đội nam và HCB đội nữ tại SEA Games 31, cùng những sân chơi như ASIAD hay giải Vô địch các CLB châu Á. Tuy nhiên ngay sân chơi trong nước tiêu biểu là giải VĐQG 2022 đã bắt đầu nóng lên với một kỳ chuyển nhượng sôi động và hấp dẫn chưa từng có!