Nhìn lại màn trình diễn của 17 ngoại binh tại giải bóng chuyền VĐQG 2022: Moma Bassoko gây ấn tượng mạnh
Assanaphan Chantajorn (XSKT VĨnh Long)
Trước màn trình diễn ấn tượng của chủ công Assanaphan Chantajorn tại SEA Games 31 vừa qua, đội bóng chuyền nam XSKT Vĩnh Long đã mạnh tay chi một số tiền khủng (khoảng 10.000 USD) để mang tay đập này về.
Khác với những trận đấu ở giải Hoa Lư - Bình Điền vừa kết thúc cách đây không lâu, trong trận đấu chiều ngày hôm qua, Assanaphan Chantajorn đã có phần thể hiện khá trầm, không như mong đợi. Được biết, ngoại binh "đáng yêu" của Thái Lan do gặp một số vấn đề về sức khỏe, cụ thể anh có vấn đề ở chân, ngoài ra cầu thủ này cũng bị cảm. Một phần có thể do thời tiết miền Bắc đang ở trong chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm nên dễ khiến cho sức khỏe của các cầu thủ không ổn định, dễ xuống sức và mất nước.
Iván José Fernández Añez (Thể Công)
Sự có mặt của Ivan Fernandez đã giúp Thể Công cải thiện rất nhiều ở mặt trận tấn công. Tay đập người Venezuela sở hữu những cú đập bóng bằng tay trái vô cùng mạnh mẽ và đã nhanh chóng có được sự tin tưởng của HLV Thái Anh Văn.
Bên cạnh khả năng ghi điểm, Ivan Fernandez còn là một tay chắn cừ khôi khi sở hữu chiều cao 1m94. Ở trận đấu tứ kết sắp tới với VLXD Bình Dường, VĐV sinh năm 1994 sẽ là một trong những cái tên có khả năng định đoạt trận đấu.
Hernanda Zulfi (Biên Phòng)
Hernanda Zulfi sở hữu lối chơi tấn công nhanh, chắc chắn. Phụ công sao 1m97 này thường xuyên mang về điểm số cho đội mình bằng những pha cản phá hoặc những pha bóng chọc khe cứng. Anh chơi ở vị trí phụ công, theo Volleyballbox, cầu thủ này sở hữu chiều cao 1m98, tầm bật đà đạt 3m35 và tầm chắn là 3m30.
Tuy nhiên, những đóng góp của nhà vô địch SEA Games 31 vẫn chưa thể đáp ứng kỳ vọng của các CĐV. Anh chơi khá ổn trong phòng ngự, nhưng Biên Phòng lại phụ thuộc vào khả năng tấn công của Văn Hiệp và các tay đập biên nên chưa thể phát huy được hết khả năng của Hernanda Zulfi.
Kuthaisong Kanjana (Vietinbank)
Kanjana Kuthaisong được kỳ vọng sẽ kết hợp cùng với chuyền hai Nguyễn Thu Hoài tạo thành cặp bài trùng mới cho Ngân hàng Công thương, nhất là khi mà đội bóng của HLV Phạm Thị Kim Huệ đối mặt việc “chảy máu lực lượng” với hàng loạt trụ cột ra đi trong thời gian qua.
Trong khi Thu Hoài chỉ chơi tròn vai, Kuthaisong lại trở thành nhân tố thi đấu nổi bật nhất của Vietinbank ở vòng bảng. Ngoại binh sinh năm 1997 được xem là “máy đập” rất chất lượng với lối chơi đa dạng, sở hữu những pha đập bóng mạnh cùng khả năng đỡ bước 1 tốt.
Megawati Hangestri Pertiw, Suthina Pasang (Hà Phú Thanh Hóa)
Những pha phát bóng đầy uy lực cùng những cú đập bóng trên lưới "sấm sét" và chính xác chính là những gì mà Megawati Hangestri Pertiw - ngoại binh xinh đẹp và cũng là tuyển thủ quốc gia Indonesia đã thể hiện. Nữ VĐV người Indonesia cũng là người có công lớn trong chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước Vietinbank. Mặc dù không được vào sân nhiều như Megawati, nhưng ở những tình huống căng thẳng, cần sự đổi mới trong lối chơi, Thanh Hóa luôn tung Suthina vào sân.
Theo dõi những trận đấu của Thanh Hóa có thể thấy cả hai cầu thủ này điều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, điều này đã được HLV Đỗ Văn Niên nhìn nhận và đánh giá: "Về phía ngoại binh người Thái Lan, Suthina thì cầu thủ này có chuyên môn cũng khá tốt, tuy nhiên nếu để chọn ra gương mặt nằm trong đội hình tối ưu nhất thì chúng tôi vẫn sẽ lựa chọn Megawati.
Ở hai cầu thủ này thì đều có những ưu điểm và yếu điểm riêng như Suthina có ưu điểm phòng thủ khá tốt, còn ở Megawati thì bạn này lại tấn công trên lưới tốt, nhưng phòng thủ thì vẫn còn yếu."
Moma Bassoko (HCĐG Hà Nội)
Với bản CV ấn tượng, Moma Bassoko được cho là ngoại binh chất lượng nhất giải bóng chuyền VĐQG 2022. Moma Bassoko từng 3 lần vô địch châu Phi, 2 lần nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu lục năm 2017 và 2019, đối chuyền 29 tuổi này từng chơi ở các giải đấu bóng chuyền hàng đầu cấp độ đội tuyển như giải Vô địch nữ Thế giới FIVB 2014, Olympic Rio 2016, cũng như kinh nghiệm thi đấu cấp CLB ở châu Âu từ năm 19 tuổi.
Những cú đập sấm sét kết hợp với khả năng phát bóng uy lực đã đưa Momba Bassoko trở thành một trong những tuyển thủ thi đấu ấn tượng nhất ở vòng bảng. Dù phải rơi vào một bảng đấu khó khăn, nhưng sự xuất sắc của VĐV người Cameroon cùng những mũi tấn công chất lượng như Bích Thủy hay Lý Thị Luyến đã giúp HCĐG Hà Nội dễ dàng có được ngôi đầu bảng, qua đó khẳng định vị thế của ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.
Napadet Bhiniijdee (Hà Tĩnh)
Ngoại binh Thái Lan đã gây bất ngờ khi tỏa sáng trước Thể Công tại giải bóng chuyền Hoa Lư - Bình Điền 2022 khi anh mới chỉ vừa đặt chân tới Việt Nam trước đó vài giờ đồng hồ. Chứng kiến màn trình diễn của ngoại binh vừa gia nhập CLB Hà Tĩnh, HLV Bùi Trung Thảo đã có lời khen ngợi cho chàng trai đến từ xứ chùa vàng.
Tại giải VĐQG 2022, Napadet tiếp tục thể hiện kỹ thuật tốt, qua đó tăng sức mạnh đáng kể cho Hà Tĩnh. Thậm chí, anh còn làm lu mờ người đồng đội ở đội tuyển Thái Lan là Assanaphan Chantajorn.
Patcharaporn Sitisad, Chompunuch Chitsabai (Kinh Bắc Bắc Ninh)
2 ngoại binh của Kinh Bắc Bắc Kinh đã không để lại nhiều dấu ấn trong lối chơi của toàn đội và không thể lấp lại khoảng trống mà Đinh Thị Thúy để lại. Thậm chí, trong ngày tái đấu đội bóng cũ, Chủ công xinh đẹp đang khoác áo Ninh Bình Doveco đã hoàn toàn làm lu mờ 2 ngoại binh Thái Lan với màn trình diễn hủy diệt của mình.
Mặc dù có sự phục vụ của 2 ngoại binh, Kinh Bắc Bắc Ninh vẫn cho thấy một lối chơi khá rời rạc, khâu bước một lỏng lẻo và những pha tấn công thiếu sự hiệu quả. Đội bóng quan họ đã không có cơ hội nào để vào tứ kết khi những đối thủ cùng bảng với họ đều rất mạnh.
Polina Rahimova (Geleximco Thái Bình)
Polina Rahimova được biết đến là ngoại binh khủng nhất nhì làng bóng chuyền Việt tại giải VĐQG 2022. Ngoại binh này từng ghi 58 điểm trong một trận đấu tại Nhật Bản vào cuối năm 2015, lập kỷ lục thế giới ở thời điểm đó.
Tuy chưa thật sự hòa nhập với các đồng đội cũng như chưa thể làm quen với điều kiện thời tiết tại Việt Nam, nhưng Polina Rahimova vẫn có những màn thể hiện đặc sắc ở vòng bảng. Cô chính là một trong những cây ghi điểm chủ lực, góp công lớn cho vị trí thứ 3 của Geleximco Thái Bình ở bảng tử thần. Thậm chí, cô còn màn trình diễn ấn tượng trước Moma Bassoko trong trận đấu với HCĐG Hà Nội.
Maria Jose Perez (Than Quảng Ninh)
Ở mùa giải năm nay, Maria Jose Perez đang thể hiện một phong độ tốt trong màu áo Than Quảng Ninh và dần trở thành một trụ cột không thể thiếu của Than Quảng Ninh. Cùng với Như Quỳnh và Đoàn Thị Xuân, ngoại binh người Venezuela là một trong những mũi tấn công quan trọng. Cô từng từng du đấu tại nhiều giải đấu tại Puerto Rico, Indonesia, Pháp... và đã gặt hái không ít thành công.
Ngoại binh người Venezuela đã không thể góp mặt trong trận đấu với BTL Thông tin vì bị căng cơ. Hy vọng rằng, Maria sẽ sớm trở lại với phong độ tốt nhất ở vòng tứ kết, nơi Than Quảng Ninh sẽ chạm trán Ninh Bình Doveco.
Katerina Zhikova (Bamboo Airway Vĩnh Phúc)
Ngoại binh tới từ Azerbaijan được bổ sung vào phút chót nhằm thay thế cho Alejandra Arguello (Venezuela). Chỉ có thời gian ngắn luyện tập cùng các đồng đội, Zhikova đã không thể giúp nhà vô địch giải hạng A năm 2021 cải thiện thành tích. Cô thi đấu mờ nhạt và không để lại nhiều dấu ấn. Dẫu vậy, người hâm mộ khó lòng có thể trách ngoại binh này bởi Bamboo Airways Vĩnh Phúc đã thể hiện một lối chơi đáng thất vọng sau khi lên hạng.
Philip James Freere (Sanest Khánh Hòa)
So với các ngoại binh khác, màn trình diễn của Philip James Freere chỉ ở mức trung bình. Trong một đội hình có quá nhiều ngôi sao tấn công của Sanest Khánh Hòa, ngoại binh người Úc thi đấu có phần mờ nhạt. Đóng góp lớn nhất của anh là giúp đội bóng thành phố biển cải thiện khả năng đỡ bước 1.
Voeurn Veasna, Shin Chan Huahg (Lavie Long An)
Voeurn Veasna được coi là một trong những tài năng trẻ của Campuchia, chủ công này đã cùng đội tuyển bóng chuyền nam Campuchia trong 2 kỳ SEA Games gần nhất. Tại SEA Games 31 vừa qua, Voeurn Veasna cùng đồng đội đã tạo nên vô vàn bất ngờ, đầu tiên là trận thắng Philippines khiến đội bóng này sớm dừng bước ở vòng bảng, sau đó là trận thắng trước Thái Lan ở trận tranh huy chương Đồng.
Trong những ngày qua thi đấu vùa, Voeurn Veasna là người được sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, bộ đôi này vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn, và Lavie Long An đã không thể cạnh tranh trước những đội hình chất lượng đến từ các đối thủ còn lại của bảng B. Họ sẽ phải tìm kiếm cơ hội trụ hạng khi thi đấu với XSKT Vĩnh Long và Bến Tre.
Wanchai Tabwises (TP Hồ Chí Minh)
Lão tướng người Thái Lan chính là ngoại binh để lại nhiều ấn tượng nhất ở giải bóng chuyền nam VĐQG cúp Hóa Chất Đức Giang 2022. Sinh năm 1986, thi đấu cho đội tuyển bóng chuyền Thái Lan từ 2005, Wanchai Tabwises là một trong những cầu thủ toàn diện cả tấn công lẫn phòng thủ, được xếp vào diện hàng đầu Đông Nam Á.
Với kinh nghiệm thi đấu dày dạn, từng góp mặt ở giải VĐQG nhiều năm, Wanchai Tabwises đã nhanh chóng thể hiện tầm ảnh hưởng tới lối chơi của TP Hồ Chí Minh. Bất chấp việc không còn ở đỉnh cao phong độ, VĐV người Thái Lan vẫn có nhứng đóng góp quan trọng giúp TP Hồ Chí Minh đánh bại Thể Công và Biên Phòng để giành vị trí thứ hai bảng B.