Những điểm nhấn mới lạ đáng chú ý của giải bóng chuyền VĐQG 2022
Giải bóng chuyền VĐQG 2022 là mùa giải thứ 19 của Giải vô địch bóng chuyền quốc gia Việt Nam. Năm nay, giải đấu được tổ chức đồng thời ở 2 địa phương: Vĩnh Phúc và Ninh Bình với sự tham gia của 11 đội nữ và 11 đội nam. Điều đặc biệt nhất của mùa giải năm nay là giải đấu chỉ tổ chức một đợt trong năm với 80 trận đấu (50 trận vòng bảng và 30 trận knock-out) để xếp hạng các đội.
Chia sẻ về thể thức thi đấu có phần mới lạ tại giải bóng chuyền VĐQG 2022, ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký Liên doàn bóng chuyền Việt Nam cho biết:
"Do Việt Nam đã đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á và Đại hội Thể dục Thể thao Toàn Quốc, cho nên giải bóng chuyền VĐQG 2022 chỉ tổ chức một vòng kèm theo vòng chung kết xếp hạng, ít hơn một vòng so với các năm trước đây.
Năm nay, chúng ta có 11 đội nam và 11 đội nữ tham gia giải bóng chuyền VĐQG 2022, gồm 20 đội ở giải VĐGQ 2021 và 1 đội vô địch giải hạng A do năm ngoái không có đội xuống hạng.
11 đội sẽ được chia làm 2 bảng. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn tính điểm một lượt. 8 đội dẫn đầu sẽ bước tiếp vào vòng chung kết để tranh chức vô địch. 3 đội Top cuối sẽ tiếp tục đấu vòng tròn xếp hạng, và 2 đội có thứ hạng cuối cùng sẽ xuống hạng.
Đến năm 2023, chúng ta sẽ quay trở lại với 10 đội, gồm 9 đội trụ hạng ở giải VĐQG 2022 và 1 đội vô địch giải hạng A 2022."
Thay đổi đáng chú ý nhất của mùa giải 2022 chính là sự trở lại của các ngoại binh. Ban chấp hành mới đã thống nhất việc sử dụng ngoại binh là cấp thiết và các đội bóng sẽ được sử dụng lực lượng này ngay trong năm 2022, ở cả giải VĐQG và giải hạng A. Phương án được thống nhất là mỗi đội được phép có 2 ngoại bình, và chỉ có 1 cầu thủ ngoại trên sân thi đấu ở mọi thời điểm.
Mùa giải 2022 cũng đánh dấu một bước tiến lớn của giải bóng chuyền VĐQG 2022 khi sử dụng công nghệ Video Challenger đã áp dụng tại SEA Games 31 và các giải đấu quốc tế:
"Hệ thống này đã hỗ trợ tích cực cho công tác trọng tài. Liên đoàn hiện đang liên hệ với đơn vị cung cấp độc quyền tại Ý, nếu như không có gì bất trắc, chúng ta có sử dụng Video Challenger từ tháng 7 để hỗ trợ các trọng tài.
Video Challenger được vận hành bằng một phần mềm không phức tạp, đơn giản gồm hệ thống các camera được đặt ở các vị trí trên sân. Sau khi có ý kiến của các đội, 1 kỹ thuật viên phụ trách công nghệ thông tin sẽ kiểm tra và lấy lại các hình ảnh, 1 trọng tài sẽ kiểm tra quả bóng đó có bị lỗi hay khồng. Video Challenger khá đơn giản, không có gì phức tạp so với các phần mềm khác".
Để có được Video Challenger phải nhắc tới số tiền hỗ trợ 1 tỷ đồng từ ông bầu Đào Hữu Huyền và tập đoàn Hóa chất Đức Giang trở thành nhà tài trợ 3 năm liên tiếp của giải bóng chuyền VĐQG cũng là điểm nhấn đáng chú ý của giải đấu năm nay. Với rất nhiều tâm huyết, ông Đào Hữu Huyền hy vọng nỗ lực của mình và những người yêu bóng chuyền sẽ giúp cho không chỉ giải VĐQG mà đội tuyển quốc gia và phong trào bóng chuyền Việt Nam ngày càng lớn mạnh.