Thiếu “khủng long” Thanh Thúy, mục tiêu Asian Games của bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ thế nào?
Ở kỳ Asian Games 2018, bóng chuyền nữ Việt Nam đã đoạt hạng 6 chung cuộc. Trong trận phân hạng 5-6 gặp Kazakhstan, đội hình nhiều cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm của HLV Tuấn Kiệt đã thi đấu tốt song vẫn để thua 1-3 (18/25, 25/22, 22/25, 24/26). Trước đó tại vòng bảng, ĐTVN từng đánh bại chính đối thủ này sau một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục với tỉ số 3-2. Cách đây 5 năm, ĐTVN dự tranh Đại hội chủ yếu đề cọ xát đỉnh cao, nâng cao trình độ, chứ chưa nhắm đến việc đua tranh ngôi thứ.
Với Asian Games 2023, xét tương quan các đối thủ, kết quả phân bảng, và quan trọng nhất là sự chuẩn bị cùng thực lực hiện tại, ĐTVN hoàn toàn có thể phấn đấu lọt vào Top 5 Đại hội. Thậm chí, qua những bước tiến vượt bậc cả về thành tích, trình độ, phong độ của Thanh Thùy cùng các đồng đội, giới chuyên môn cùng người hâm mộ đang trông chờ đội tiếp tục lập kỳ tích.
Nằm trong bảng C có hạt giống Hàn Quốc (hạng 3 Asian Games 2018) cùng đối thủ nhóm 3 Nepal, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt gần như nắm chắc một suất vào tứ kết. ĐTVN sẽ có thể giải quyết đối thủ Nepal không mấy khó khăn. Thế nhưng, muốn có cơ hội vươn cao thực sự, đội sẽ phải thắng được đội bóng xứ Hàn, dù đang sa sút song vẫn rất mạnh, để giành ngôi đầu bảng. Đây chính là trận đấu mang tính quyết định của Việt Nam tại Đại hội.
Nếu có ngôi đầu bảng, ở tứ kết, Việt Nam sẽ tránh được những ứng viên vô địch gần như chắc chắn đứng đầu bảng A, B, D Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản thay vào đó là các đối thủ nhì bảng dễ chơi hơn nhiều, mà có thể Kazakstan nổi bật trong số này. Khi đó, bóng chuyền nữ Việt Nam sáng cửa đua tranh một vị trí trong Top 4, cho dù khả năng đoạt huy chương không cao.
Trong trường hợp chỉ xếp nhì bảng, tất nhiên, tại tứ kết, các học trò của HLV Tuấn Kiệt vẫn có hi vọng làm nên điều thần kỳ trước một trong ba “chị đại” bóng chuyền châu Á để lọt vào bán kết, nhất là Thái Lan. Thế nhưng, có lẽ đội cũng sẽ phải chuẩn bị sẵn cho phương án thực tế hơn, là tranh chấp hạng 5 chung cuộc.
Có thể thấy, bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ dự tranh Asian Games 2023 với mục tiêu, sức mạnh, sự chuẩn bị và cả tâm thế khác hẳn kỳ Đại hội trước. Ngoại trừ ba “chị đại” Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, ĐTVN hội đủ các yếu tố để tranh tài sòng phẳng với những đối thủ mạnh khác Kazakstan hay kể cả Hàn Quốc.
Chỉ có điều, tại đấu trường châu lục đỉnh cao nhất, ĐTVN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không có đội trưởng Thanh Thúy vì phải quay lại Nhật Bản thi đấu cho CLB PFU Bluecats đúng dịp này theo hợp đồng chuyên nghiệp giữa hai bên. Như ví von, việc thiếu vắng chủ công cao 1m93 sẽ khiến sức mạnh của đội giảm tới phân nửa. Thanh Thúy là thủ lĩnh toàn diện, vượt trội cả về cả chuyên môn lẫn tinh thần của ĐTVN, với những khác biệt rõ ràng, mà khó có thể có phương án thay thế. Ngoài ra, bài toán thể lực cũng được đặt ra, do ĐTVN, nhất là các trụ cột, đã phải “cày ải” ở nhiều giải liên tiếp, với mật độ di chuyển, thi đấu quá dày.
Rõ ràng trong hai tháng tới HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt, người cũng từng dẫn dắt ĐTVN tranh tài ở kỳ Á vận hội 2018, sẽ có rất nhiều việc phải làm, đưa ra những giải pháp ứng phó tình thế phù hợp và hiệu quả nhất để có một đội hình sung mãn, sẵn sàng ở mức cao nhất cho Asian Games 2023.
Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam từng đàm phán với PFU BlueCats cho Thanh Thúy dự tranh Asian Games nhưng không được chấp nhận. Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, Cục sẽ phối hợp với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam để tiếp tục thuyết phục CLB về vấn đề này.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn đội bóng Nhật Bản vẫn không đồng ý, bởi CLB sẽ phải thi đấu đúng dịp Asian Games, và Thanh Thúy là một cầu thủ trụ cột. Trước đó, đáng ra Thúy sẽ phải “hội quân” cùng CLB từ tháng 6 song đã được ưu tiên về phục vụ ĐTQG đến tháng 9.
Ba đội đoạt huy chương bóng chuyền nữ ở Asian Games 2018 là Trung Quốc (HCV), Thái Lan (HCB), Hàn Quốc (HCĐ). Ở trận chung kết, đội bóng ĐNÁ Thái Lan đã để thua Trung Quốc 0-3, còn trong trận tranh hạng ba, Hàn Quốc đánh bại Nhật Bản 3-1.