13 phụ huynh lớp năng khiếu bóng chuyền nam Đắk Lắk viết đơn kêu cứu
Sau Truyền hình Vĩnh Long đến bóng chuyền nam Đắk Lăk giải thể khiến bức tranh làng bóng chuyền Việt Nam trở nên u ám trong một năm được dự đoán khá sôi động của Thể thao Việt Nam. Nếu như những người làm bóng chuyền nữ Vĩnh Long có lý do sau khi đội xuống hạng tại mùa giải 2020 để giải thể đội 1 và bắt đầu làm lại từ lớp năng khiếu thì bóng chuyền nam Đắk Lắk cũng giải thể bởi sau hơn chục năm mới có...tấm HCĐ giải hạng A toàn quốc năm 2020. Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk không thể duy trì đội bóng chuyền nam bởi lý do kinh tế và quyết định dừng hoạt động của đội từ mùa giải 2021.
Việc dừng hoạt động của bóng chuyền nam khiến tất cả VĐV và BHL đội bóng cảm thấy khá đột ngột. Tưởng như sau tấm HCĐ giải hạng A mùa giải 2020 đội sẽ có động lực để tiến lên nhờ vào những VĐV cây nhà lá vườn tuy nhiên cho tới thời điểm này, mọi việc dường như đã được quyết định một cách rõ ràng. Quyết định giải thể đội bóng chuyền nam Đắk Lắk của Sở VH,TT&DL tỉnh đã khiến các VĐV, người nhà và nhất là các em tại lớp năng khiếu bóng chuyền cảm thấy bức xúc.
Những vấn đề bắt đầu được mổ xẻ trong lá đơn kiến nghị của đông đảo phụ huynh học sinh đang theo học tại lớp năng khiếu bóng chuyền nam. Tại cuộc họp diễn ra ngày 23/2/2021 giữa đại diện phụ huynh các em học sinh, toàn thể Ban giám hiệu trường Năng khiếu Thể dục Thể thao Đắk Lắk và 2 đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh dưới sự chủ trì của ông Phan Xuân Hùng trưởng phòng TTTC. Đại diện Sở nêu quan điểm sẽ không đào tạo bóng chuyền nam và có hướng đào tạo các môn như bắn súng, bắn cung và đua thuyền. Trước ý kiến này, toàn thể phụ huynh các em học sinh đang theo học lớp năng khiếu bóng chuyền nam tại đây không đồng tình về việc giải thể đội bóng chuyền nam, đồng nghĩa với việc dừng đào tạo lớp năng khiếu.
Trong lá đơn của phụ huynh học sinh đang theo học tại lớp năng khiếu của trường có nêu: Lý do Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Lắk đưa ra để giải thể là chưa thỏa đáng và không thuyết phục. Bóng chuyền là bộ môn thể thao đang thu hút được số lượng người chơi và tham gia luyện tập lớn nhất hiện nay ở Việt Nam và bộ môn này hiện có ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Đội bóng chuyền nam đã được gây dựng phát triển ở tỉnh Đắk Lắk cho đến nay đã hơn 20 năm, kết đọng cho cả một quá trình nỗ lực phấn đấu của các lứa HLV, VĐV.
Các phụ huynh cũng cho rằng ý kiến của người chủ trì cuộc họp cho rằng đội bóng chuyền nam không có thành tích cũng thật sự là vô lý, vì đội bóng chuyền nam Đắk Lắk đạt giải 3 Hạng A toàn quốc. Kết quả đáng kể trên là động lưc để các VĐV quyết tâm nâng cao thành tích hơn nữa. Lý do không có kinh phí cũng không thuyết phục, chưa kể phụ cấp tiền ăn tiền công tập luyện mà các VĐV tuyến năng khiếu được hưởng thấp hơn so với quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Theo các phụ huynh, đây là một quyết định thiếu tính nhân văn, thiếu sự dân chủ, nhất là khi không thông qua thảo luận, bàn bạc giữa ngành thể thao với gia đình các VĐV để xử lý sự việc hợp lý. Việc giải thể đội bóng sẻ làm ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như chất lượng học văn hóa của các em vì hầu như thời gian học tại trường năng khiếu các em tập trung cho việc tập luyện là chủ yếu nên lực học không thể bằng các bạn học ở các trường ngoài, khi cho về địa phương các em sẽ bị mặc cảm, tự ti, không theo kịp bạn bè.
Trường TDTT Tỉnh Đắk Lắk đã ký hợp đồng giữa nhà trường và gia đình các vận động viên với thời hạn là 5 năm mà đang học nửa chừng thì Nhà trường và Sở đơn phương chấm dứt hợp đồng là sai phạm và thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tình người đối với các VĐV. Nhà trường có hướng chuyển các em sang bộ môn khác, nhưng các em và phụ huynh không đồng ý, vì sở thích và năng khiếu của các em không đáp ứng được. Một số em nhà trường đã cho các em vào trung tâm giáo dục thường xuyên để có thời gian tập luyện và học hành vậy khi bị trả về địa phương các em sẽ không thể theo học được các trung tâm huyện vì nhà xa đi lại khó khăn.
Các phụ huynh cũng cho rằng quyết định và cách làm của ngành thể thao tỉnh Đắk Lắk làm mất lòng tin của các phụ huynh và chính 13 vận động viên. Nó cũng ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng đào tạo của thể thao tỉnh, đồng thời hưởng đến danh dự của các vận động viên khi bị trả về địa phương.
Cuối đơn kiến nghị toàn thể phụ huynh đồng loạt nêu ý kiến: 13 phụ huynh học sinh gia đình chúng tôi kính đề nghị Chủ tịch hội đồng nhân dân Tỉnh Đắk Lắk; Lãnh đạo UBND Tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Lắk thay đổi lại quyết định về việc giải thể, tiếp tục duy trì đội bóng chuyền nam để các em tiếp tục học hành và tập luyện, góp phần vào sự phát triển của bóng chuyền và thể thao tỉnh.