Bóng chuyền Hà Nội: Cơ sở vật chất tỉ lệ nghịch với phát triển chuyên nghiệp
Nói về bóng chuyền Thủ đô trong thời điểm hiện tại là nhắc tới nốt trầm của nền bóng chuyền đã từng vang danh một thuở. Hà Nội được coi là địa phương có hệ thống nhà thi đấu phong phú nhất cả nước. Nơi đây từng có những đội bóng trứ danh trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam với những danh thủ hàng đầu.
Có thể kể tên hai đội bóng chuyền nam và nữ Bưu Điện Hà Nội với những tên tuổi Hà Thu Dậu, Phạm Thị Rệt, Minh Tám, Trần Thị Hương, Thu Hạnh, Thanh Hoa, Phương Lan, Đặng Thị Hồng, Thúy Nga hay phía bên đội nam là Nguyễn Tuấn Kiệt, Hùng Mạnh, Sỹ Hòa, Nguyên Hòa… Lứa VĐV này từng tung hoành trên khắp các sân đấu và mang về thành công cho bóng chuyền Thủ đô trong giai đoạn trước.
Sau khi giải thể, đội bóng chuyền Bưu điện Hà Nội (nam, nữ) để lại cho bóng chuyền Thủ đô một dấu lặng mà cho tới thời điểm này vẫn chưa thể cất lên những thanh âm quen thuộc. Mặc dù Hóa chất Đức Giang Hà Nội vài năm qua đang trên đà đi tới nhưng họ đã trở thành đội bóng của doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với vị chủ tịch yêu bóng chuyền đến cuồng nhiệt - Đào Hữu Huyền. Bên cạnh đó là các đội bóng của ngành như Ngân hàng Công thương hay 3 đội bóng chuyền Quân đội khác đóng trên địa bàn Thủ đô là BTL Thông tin - FLC, Thể Công và Biên Phòng.
Đội bóng chuyền nam Hà Nội lên hạng sau khi vô địch giải hạng A năm 2019 đang thi đấu "lẹt đẹt" ở giải VĐQG với những kết quả không quá thuyết phục. Bên cạnh đó, đội bóng chuyền nữ Hà Nội khó có cơ hội lên hạng khi tại giải hạng A có quá nhiều đối thủ mạnh Bamboo Airways Vĩnh Phúc, nữ TP.HCM, Hải Dương hay Nghệ An…
Sau nhiều năm có thể thấy, riêng bóng chuyền nữ Hà Nội đang đào tạo được một lứa chất lượng khi thi đấu khá thành công tại các giải trẻ như Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc, Vô địch U23 quốc gia… nhưng sau đó họ lại chưa có cho mình một chiến lược rõ ràng, một lộ trình sáng sủa để vươn lên sánh ngang với thế hệ trước.
Hệ thống cơ sở vật chất dành cho bóng chuyền Hà Nội là vượt trội so với phần còn lại khi sở hữu các nhà thi đấu lớn như Trịnh Hoài Đức, Quần Ngựa, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Cầu Giấy, Quân đội, Hà Đông, Viettinbank và mới đây là Mỹ Đình. Tại Mỹ Đình, trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao Hà Nội đang là đại bản doanh của hai CLB bóng chuyền nam, nữ Thủ đô. Tuy vậy nhìn vào thực lực và con đường của bóng chuyền Hà Nội hiện tại thì còn khá lâu nữa họ mới có thể trở lại với truyền thống hào hùng mà thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.