Bóng chuyền Hải Dương liệu có phá được dớp xuống hạng như cơm bữa?
Niềm vui khi đội bóng tỉnh nhà vừa được thăng hạng sau trận đấu trả vừa đủ cả vốn lẫn lời trước Hà Nội trong trận chung kết năm 2019 tại nhà thi đấu TDTT tỉnh Điện Biên, chưa kịp lắng thì lại trỗi dậy nỗi lo âu.
Cái lo muôn thuở của đội bóng “nhà nghèo” nhưng “học giỏi”. Nhiều người nói vui rằng: "Lo làm gì xuống rồi lại lên ngay được ấy mà". Câu nói ấy như lột tả một thực tại rất “thật” về bóng chuyền nữ Hải Dương, nơi từng có những năm tháng rất huy hoàng không chỉ trong làng bóng chuyền nữ phía Bắc mà còn tại Việt Nam.
Trận đấu quyết định tấm vè lên hạng của bóng chuyền nữ Hải Dương trước Hà Nội
Những người hâm mộ nếu chứng kiến trận chung kết giữa Hải Dương và Hà Nội năm qua thì đều có chung một nhận định rằng “Nếu cứ chơi với tinh thần màu lửa và nhiệt huyết thế thì chẳng phải sợ bất kỳ đội bóng nào”.
Trận đấu nói lên một đội bóng với lực lượng mỏng, sự kết hợp giữa nhiều yếu tố già, trẻ…đang chơi với một tinh thần tuyệt vời và tình đoàn kết nội bộ đáng khâm phục. Những cầu thủ trẻ của bóng chuyền nữ Hải Dương chơi năng lực và triển vọng, thể hiện qua lối chơi hiệu quả của các vị trí chủ chốt trên sân.
Bóng chuyền nữ Hải Dương đang chơi với một tinh thần tuyệt vời và tình đoàn kết nội bộ đáng khâm phục
Cây chuyền hai Nguyễn Thị Thuỷ linh hoạt tổ chức lối đánh, mở ra các hướng tấn công cho đồng đội ghi điểm là một điểm sáng trong lối chơi mà các cô gái Hải Dương tạo ra tại thời điểm đó. Nếu như đội hình có thêm những chủ công như Lê Thị Hồng (đã chuyển sang Than Quảng Ninh) thì chắc chắn đội bóng cũng sẽ có những toan tính cho một thứ hạng kha khá tại giải VĐQG năm 2020.
Tuy nhiên với 2 chủ công Vàng Thị Tặng và Nguyễn Thu Trang cùng những nhân tố trẻ sẽ thỏa sức tấn công nếu như chuyền hai Nguyễn Thị Thủy luôn giữ cho mình một phong độ tốt. Vào thời điểm này, tinh thần có lẽ là yếu tố then chốt dẫn tới sự thành bại của đội bóng nếu như không muốn nói là thuộc hàng nghèo nhất tại giải VĐQG năm nay.
Chuyền 2 Nguyễn Thị Thủy (10) nếu giữ được phong độ sẽ là người nâng bước cho thành công của Hải Dương
Có thể thấy Hải Dương những năm trước là đội bóng “chịu chơi” nhất ở giải VĐQG khi liên tiếp thuê các HLV ngoại về huấn luyện. Tại vòng 1 giải VĐQG 2017, nữ Hải Dương được HLV người Nhật Bản Shuto Koichi dẫn dắt. Tiếc là kết thúc giai đoạn 1 giải VĐQG 2017, ông Shuto Koichi đã không còn ở lại với Hải Dương.
Đến vòng 2 giải VĐQG 2017, đội nữ Hải Dương đăng ký HLV Parkan Kumsadug. Đây là chuyên gia từng có một thời gian tham gia công tác đào tạo trẻ tại Thông tin LienVietPostBank nhưng kết quả không được như mong muốn. Còn nhớ năm 2015, đội này từng thuê chuyên gia người Nga là ông Yuri từng có thời gian huấn luyện đội Vietsovpetro nhằm thi đấu tranh vé trụ hạng.
Việc Lê Thị Hồng đến với Quảng Ninh là một tổn thất lớn của bóng chuyền nữ Hải Dương
Song khi những nhà tài trợ không cùng đồng hành, bóng chuyền nữ Hải Dương quyết tâm đi lên bằng nội lực của chính mình. Sự lo lắng của người hâm mộ bóng chuyền Hải Dương không phải không có cơ sở vì tính từ năm 2000 đến nay, đội 4 lần xuống hạng vào các năm 2001, 2005, 2012, 2018 và cũng 4 lần lên hạng vào các năm 2004, 2006, 2013 và 2019.
Hy vọng năm nay, với tinh thần chiến đấu không nao núng trước những thế lực, bóng chuyền Hải Dương sẽ viết nên một trong những điều thần kỳ nhất của mùa giải này.