Bóng chuyền nằm trong nhóm trọng điểm thứ 2, hướng tới đấu trường ASIAD
Mới đây, tại cuộc họp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục TDTT về xây dựng dự thảo "Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050" trong đó có chiến lược dành cho bộ môn bóng chuyền. Theo đó, bóng chuyền được nằm trong nhóm đầu tư trọng điểm thứ 2 hướng tới những mục tiêu cao trong thời gian tới.
Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2020, định hướng tới năm 2030 có nêu rõ môn trọng điểm nhóm 1 gồm: Điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, vật (hạng cân nhẹ), bắn súng, karate, boxing (nữ), cầu lông, bóng bàn.
Nhóm 2 gồm: Bóng đá, bóng chuyền, judo, wushu, cầu mây, đấu kiếm, TDDC, pencak silat, bắn cung, xe đạp, cờ vua, cờ tướng, bi sắt, lặn, bóng ném, khiêu vũ thể thao, sport aerobic, quần vợt, thể hình, canoe-kayak, rowing , billiard-snooker, vovinam.
Như vậy, bóng chuyền thuộc các môn được đầu tư trọng điểm tại nhóm 2 tập trung hướng tới đấu trường ASIAD. Theo đó, các môn thể thao thuộc nhóm 2 sẽ có nhiều thay đổi sau khi tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp, hoàn thiện Chiến lược, dự thảo Tờ trình, Quyết định trình lãnh đạo Bộ xem xét vào tháng 11/2021; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030 vào tháng 12/2021.
Bóng chuyền Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển sau khi giải VĐQG có sự cải tiến về khâu tổ chức và thay đổi điều lệ thi đấu. Theo lộ trình rút giảm số đội để nâng cao chất lượng giải đấu thì bóng chuyền Việt Nam đang đi đúng hướng và đạt được những thành quả nhất định.
Giải bóng chuyền VĐQG, giải Hạng A toàn quốc năm 2021 nhận được sự chú ý của khán giả và quan trọng hơn đã bắt đầu nhận được sự đầu tư, xã hội hóa của các tập đoàn kinh tế. Hãng hàng không Bamboo Airways, tập đoàn FLC đã tài trợ cho 2 giải đấu hàng đầu quốc gia từ mùa giải 2021 nên mức thưởng dành cho các đội vô địch được nâng lên đáng kể so với các mùa giải trước.
Bóng chuyền Việt Nam nhận được sự chú ý sau khi Liên đoàn bóng chuyền bắt đầu sử dụng chuyên gia ngoại cho đội tuyển nam để hướng tới mục tiêu gần là SEA Games 31 trên sân nhà. Ngoài đội tuyển nam, đội tuyển bóng chuyền nữ cũng được định hướng phát triển trong thời gian tới để chuẩn bị cho SEA Games và xa hơn là các giải đấu trong khu vực sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nhìn từ chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030 có thể thấy bóng chuyền có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển, nhận được sự chú trọng của lãnh đạo ngành và chính phủ như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại cuộc họp: “Chiến lược phải tập trung được trí tuệ của toàn ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, thể hiện được trách nhiệm, tâm huyết của những người công tác trong ngành TDTT. Vì thế các Vụ, đơn vị chức năng của Tổng cục TDTT cần phải có ý kiến đóng góp cụ thể, kỹ lưỡng, kết tinh của trí tuệ tập thể để đóng góp ý kiến cho bộ phận soạn thảo Chiến lược. Làm sao cho Chiến lược sau khi được phê duyệt phải có tầm nhìn đúng để có thể triển khai thực hiện đến năm 2030 và có tầm nhìn đến năm 2050”