Bóng chuyền Việt & thảm cảnh giải trăm tỷ chỉ vài trận đáng xem
Theo thống kê, nguồn kinh phí “đổ” vào giải VĐQG bóng chuyền với 24 đội nam nữ đã lên tới khoảng 150- 200 tỷ đồng mỗi năm, có lẽ chỉ kém V-League và giải hạng Nhất của bóng đá nam, và vượt xa các môn khác. Đây là một thành quả, kết đọng cả quá trình xã hội hóa, khi nhiều doanh nghiệp đã tham gia tài trợ, nhận nuôi, hay kể cả thành lập CLB riêng.
Thế nhưng, như một nghịch lý, sau hai thập kỷ chuyển đổi mô hình, giải VĐQG trăm tỷ của môn vẫn được ví số 2 của thể thao Việt Nam này vẫn đang dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là còn tệ hơn cả thời bao cấp trên một số phương diện.
Giải VĐQG trăm tỷ của môn vẫn được ví số 2 của thể thao Việt Nam này vẫn đang dậm chân tại chỗ
12 đội phân thành nhiều đẳng cấp khác nhau, 3 hay thậm chí 4 nhóm, rõ nhất ở giải nữ, đã dẫn đến thảm họa về chất lượng chuyên môn của giải đấu vẫn mang danh đỉnh cao quốc nội ấy, nhất là vòng bảng. Thậm chí, nhiều cuộc chạm trán giữa một vài đội nhóm đầu với đối thủ nhóm cuối, chẳng khác gì một màn “tra tấn” đối với cầu thủ 2 đội, cùng khán giả.
Các “chuyên gia” ngôi đầu như Thông tin LienVietPostBank, Ngân hàng Công thương Việt Nam hay Bình Điền Long An mỗi mùa thực chất chỉ phải thi đấu đúng 3 trận – 1 trận tranh vị trí nhất nhì bảng, 1 trận bán kết và 1 trận chung kết (hay Ba Tư), còn lại đều chỉ cọ xát, thử nghiệm chiến thuật và đội hình. Dù lâu nay vẫn tự hào về sức hút với khán giả song thực chất ngoài việc tổ chức ở các địa phương vùng sâu xa, giải VĐQG cũng chỉ thực sự hấp dẫn ở một vài trận tranh chấp thứ hạng của VCK.
Mục tiêu quan trọng bậc nhất là phát hiện, rèn giũa cầu thủ trẻ, nâng tầm cho các tuyển thủ quốc gia vì thế cũng bất thành
Cả giải VĐQG qua 2 vòng đấu bảng, 1 VCK mà chỉ có khoảng 4-5 trận đáng xem đủ biết tệ đến mức nào. Riêng mục tiêu quan trọng bậc nhất là phát hiện, rèn giũa cầu thủ trẻ, nâng tầm cho các tuyển thủ quốc gia vì thế cũng bất thành. Qua cả chục mùa giải, số nhân tố mới, ở mức có thể đảm đương nhiệm vụ ở ĐTQG, được tạo nên ít đến mức có thể đếm được trên một bàn tay.
Bóng chuyền Việt Nam thiếu hụt cầu thủ chất lượng đến nỗi các cựu binh như Bùi Huệ hay Nguyễn Thị Xuân đều đã 33 tuổi, phong độ sút giảm vẫn đang được cả làng bóng chuyền săn đón. Một ngôi sao Ngọc Hoa nghỉ thi đấu ở tuổi 32 đã khiến cả một đội hàng đầu như Bình Điền Long An suy giảm sức mạnh nghiêm trọng, và phần nào đó làm thay đổi cả cục diện giải đấu.
Nguyễn Thị Xuân ở tuổi 33 vẫn cống hiến cho đội tuyển quốc gia
Nguyên nhân của thảm trạng này, một phần quan trọng, xuất phát từ chính việc duy trì quy mô “hoành tráng” 12 đội nam, 12 đội nữ. Ngoài Việt Nam, hiện tại chỉ Trung Quốc duy trì một cuộc đấu có quy mô “hoành tráng” tương tự. Phương thức tổ chức giải với 12 đội nam, 12 đội nữ bắt đầu từ mùa 1999, xuất phát từ mặt bằng chung rất thấp, tình trạng nửa phong trào nửa đỉnh cao của các đội, hệ thống các giải không rõ ràng. Nó sớm bộc lộ những bất cập cơ bản, và ngày càng mang tới nhiều hệ lụy, song không được xem xét điều chỉnh.
Số lượng đội quá đông, lực lượng cầu thủ chất lượng lại quá thiếu, nên giải bóng chuyền VĐQG rơi vào một vòng luẩn quẩn kéo dài với một mặt bằng chất lượng chuyên môn quá thấp.