Giám đốc 24 tuổi vượt cả trăm cây số giúp Đại học Luật Huế giành vé đến VCK bóng chuyền SVTQ
Một ngày sau khi vòng loại khu vực 2 ở Huế khép lại, Tiến ngược lại quê nhà Lệ Thủy (Quảng Bình), cách khoảng 130km để sinh hoạt, làm việc hằng ngày. Chàng trai sinh năm 1999 đang là giám đốc văn phòng đại diện của một tập đoàn về du học tại huyện Lệ Thủy.
Tuy nhiên, anh luôn đau đáu, có đam mê cháy bỏng với bóng chuyền cũng như các hoạt động thể thao của Đại học Luật Huế. Tiến vốn là cựu sinh viên của trường. Anh từng đảm trách vai trò chủ nhiệm CLB Thể dục Thể thao và nằm trong BCH Đoàn trường, là lứa đàn anh của sinh viên hiện tại. "Tôi nắm bắt mảng thể thao của trường nên hiểu cần gì, thiếu gì, tâm huyết với trường. Khi nhờ hỗ trợ tôi nhận lời”, Tiến chia sẻ.
Sau khi ra trường, Tiến luôn theo sát các hoạt động. Năm ngoái, ở Hội thao khối Đại học Huế, nhận lời mời từ BGH Nhà trường, Tiến đảm trách vai trò HLV của hai đội bóng chuyền nam và nữ tham dự. Đội nam đoạt ngôi vô địch còn đội nữ giành hạng ba.
Và khi nhận công văn từ Bộ Giáo dục & Đào tạo về giải bóng chuyền sinh viên toàn quốc 2023, ngay lập tức, BGH cùng các thầy cô đã nghĩ đến Tiến. Anh nhận rất nhiều cuộc điện thoại và không thể từ chối.
Đó cũng là lúc, Tiến gác lại công việc ở quê nhà. Anh vào Huế để trực tiếp tham gia công tác huấn luyện. Tiến kể: “Năm ngoái, tôi vào trước một tháng nhưng năm nay chỉ vào trước khoảng 1 tuần. Bởi vì tôi đã xây dựng khuôn trước đó. Giờ chỉ cần đưa một người làm đội trưởng, các bạn sẽ tập và tôi làm việc online”.
Công việc của Tiến có các trợ lý hỗ trợ. Anh theo dõi từ xa, đốc thúc, thúc đẩy tinh thần toàn đội. Tiến chia sẻ: “Mấy anh sinh ra CLB nhưng tôi là người phát triển, có yếu tố phong trào đoàn nên phát triển CLB vừa có đam mê, vừa có kỷ luật, hình thành tổ chức quy củ.
Các em sau này nói là nghe vì biết tôi như thế nào, hy sinh cho CLB ra sao. Phát triển CLB cũng phải nhắm người duy trì ngọn lửa, chứ không phải phát triển thời mình”.
Điều này giúp đội có tính kỷ luật, tinh thần chiến đấu cao. Ở tuổi 24, vốn còn khá trẻ song, Tiến đúc kết cho mình cả về chuyên môn lẫn công tác tư tưởng.
Tất cả giúp mọi thành viên đều phục và tuân theo chỉ đạo của vị HLV trưởng này. "Tôi hiểu rõ, những người lớn tuổi có kinh nghiệm hơn nhưng tôi tự tin vì tôi là người thầy, người anh, người đi trước. Tôi có nạt, có mắng, có thương. Mấy đứa thi đấu vì mấy đứa và cũng vì tôi.
Mấy đứa nói anh Tiến bỏ công, bỏ việc vào đây thì làm thế nào để đáng với công sức anh vào. Đó là nguồn động lực vô hình. Thế nên, những pha bóng có cảm giác chịu rồi, thua 3-4 điểm nhưng vẫn quyết tâm.
24 tuổi thì trẻ thật nhưng lúc mới năm 1, tôi đã là đội trưởng, cầm đội. Tôi biết mạnh yếu của mấy anh để sắp cầu. Tất cả là cả quá trình chứ không phải bây giờ để sắp cầu ngớ ngẩn, khiến các bạn có suy nghĩ lăn tăn".
Tiến chơi nhiều môn khác nhau, là trụ cột của đội bóng chuyền huyện Lệ Thủy nên anh có thừa kinh nghiệm trận mạc, phán đoán tình huống để áp dụng thực tiễn vào giải đấu. Để trau dồi chuyên môn huấn luyện, Tiến học khắp nơi. Từ những người đi trước và trên mạng.
Tiến choa biết: “Các bài tập tôi tự nghĩ ra và tham khảo trên mạng. Ở vòng loại, gặp những đội có lực ngang nhau, tôi tập nhiều về tấn công và có hiệu quả. Giờ gặp những đội mạnh hơn, thì chú trọng khâu phòng ngự, an toàn. Những ai bắt bước 1 tốt mới vào sân. Đội luôn hướng phương châm đoàn kết, cố gắng trong từng pha bóng, mình vì mọi người, mọi người vì mình".
Ở VCK bóng chuyền sắp tới, khiêm tốn về chuyên môn của đội nhưng Tiến tâm niệm: "Có thể chuyên môn chưa sánh bằng nhưng phải thể hiện tính chất của người miền Trung là chịu khó. Không có tài thì phải siêng năng, chăm chỉ".
Sau một tuần ngược về quê nhà, Tiến đã trở lại Huế, để tiếp tục đồng hành cùng đội chuẩn bị hành trang tiến ra Hà Nội, quyết tâm ghi dấu ấn ở VCK bóng chuyền sinh viên toàn quốc 2023.