Liên tiếp chấn thương, phải chăng VĐV bóng chuyền quá tải?
Trong các tháng 3-4-5 nhiều giải đấu liên tục diễn ra như Cúp bóng chuyền Hoa Lư - Bình Điền (tháng 3), Vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021 (tháng 4) Cúp Hùng Vương (tháng 4) và Vòng bảng giải bóng chuyền hạng A Cúp FLC toàn quốc (tháng 4, 5). Các giải đấu diễn ra thường xuyên và có những VĐV từng cày ải đến cả 4 giải đấu nên việc gặp chấn thương là điều khó có thể tránh khỏi.
Tại Cúp bóng chuyền Hoa Lư - Bình Điền đến Vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021, tình trạng VĐV gặp chấn thương gần như không có cho tới Cúp bóng chuyền Hùng Vương. Trần Thị Thanh Thúy đã phải nhờ đến sự chăm sóc của bộ phận y tế mới có thể nén đau sau nửa hiệp để vào sân trong trận chung kết. Cũng tại giải đấu này, Lê Quang Đoàn (Sanest Khánh Hòa) cũng gặp một chấn thương lật sơ mi cổ chân. Cùng thời điểm đó Hoàng Thị Kiều Trinh (BTL Thông tin - FLC) cũng gặp chấn thương cổ chân.
Như vậy, với tần suất giải đấu dày đặc, cộng thêm việc VĐV không có bộ phận Y tế chăm sóc phục hồi kịp thời đã dẫn tới những chấn thương không mong muốn. Quan sát các đội bóng chuyền tại Việt Nam gần như chưa đội bóng nào có riêng bộ phận này hoặc có cũng chỉ là thuê ngắn hạn trong thời điểm tham dự các giải đấu ví dụ như nhà đương kim vô địch Sanest Khánh Hòa.
Hiện tại, y học thể thao là bộ phận gắn liền với các VĐV đỉnh cao để nắm bắt nền tảng thể lực, điểm mạnh điểm yếu hoặc bổ sung, phát triển và hồi phục thể lực cho VĐV sau mỗi trận đấu, giải đấu. Việc vừa thiếu và yếu hoặc chưa được quan tâm chính đáng khiến cho không ít VĐV gặp phải những chấn thương khá nặng rồi phải nén đau ra sân hoặc cố ra sân để thi đấu. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của chính VĐV và thành tích đội bóng chủ quản.
Các đội bóng chuyền hiện nay HLV trưởng gần như kiêm luôn vai trò của HLV thể lực. Trong thể thao, thể lực là điều quan trong hàng đầu tuy vậy gần như các giáo án về thể lực hiện tại vẫn dùng chung cho các VĐV có thể trạng khác nhau mà chưa nhắm tới vấn đề chuyên biệt cho từng VĐV, nhóm VĐV. Đây cũng là yếu tố khiến VĐV không thể phát huy hết khả năng và thường xuyên gặp những chấn thương trong thi đấu do những sai sót trong quá trình rèn thể lực.
Tại Việt Nam, thời điểm diễn ra các giải đấu thường xen kẽ các giải hội làng. Số đông VĐV "cày ải" để thêm thu nhập bù vào khoản lương, thưởng bèo bọt của Bóng chuyền là điều xảy ra thường xuyên. Các giải đấu hội làng thường có sân bãi không đảm bảo, thi đấu với cường độ dồn dập khiến cho VĐV dễ gặp phải những chấn thương không mong muốn. Để có thể giải quyết được những vấn đề này, Bóng chuyền cần tiến lên chuyên nghiệp và có những đãi ngộ xứng đáng để VĐV chuyên tâm tập luyện và cống hiến cho CLB chủ quản.
Năm nay là năm thứ 17 giải bóng chuyền VĐQG chuyển mình tiến lên chuyên nghiệp. Hiện tại còn khá nhiều vấn đề xung quanh cách vận hàng giải đấu và quản lý VĐV sao cho xứng với hai từ “chuyên nghiệp”. Để khắc phục điều này, hy vọng kỳ đại hội Liên đoàn Bóng chuyền sắp tới trong tháng 6 sẽ đem ra mổ xẻ và khắc phục dần biến giải đấu trở thành giải chất lượng hàng đầu khu vực và xứng đáng với sự kỳ vọng của NHM bóng chuyền nước nhà.