Ngô Văn Thạch "đen": Biểu tượng của làng bóng chuyền phủi Việt Nam
Cái tên “Thạch đen” dường như đã quá quen thuộc với mỗi người dân mê bóng chuyền hội làng. Nước da đen cháy và lối đánh mạnh mẽ thông minh trên sân rất dễ nhận ra chàng trai gốc Quảng Trị. Chơi bóng có lẽ là niềm đam mê lớn nhất của chàng cầu thủ cao tới 1,85m này.
Tình yêu mà Ngô Văn Thạch dành cho bóng chuyền cháy bỏng tới mức anh có thể quên cả những ngày tết để đi xa chơi bóng, một phần cũng vì kinh tế nhưng phần lớn là tình yêu cùng sự đam mê đến cuồng nhiệt.
Trong huyết quản của chàng trai ấy, ngoài tình yêu dành cho gia đình thì chắc chỉ có bóng chuyền mới làm anh lay chuyển. Sự mạnh mẽ trên sân phần nào cũng phản ánh tính cách ngay thẳng bộc trực nhưng chất chứa những ưu tư Thạch nghĩ về cuộc sống.
Tại sao Thạch không đến với bóng chuyền chuyên nghiệp? Câu hỏi không làm chàng trai băn khoăn đến nửa giây, anh nói: “Đối với em, có rất nhiều CLB mời về chơi thử nhưng thực tế em nghĩ rằng mình không ăn tập bài bản và khả năng thích nghi với bóng chuyền trong nhà sẽ khó nên em từ chối. Mới đầu năm 2019, Sanest Khánh Hòa có mời em về thử việc nhưng một lần nữa em lại từ chối vì những lý do tương tự”.
Xuất phát điểm không phải dân ăn tập bóng chuyền, “Thạch đen” đến với bóng chuyền từ những năm 2011, khi đó nghĩ rằng tập cho vui và chơi phong trào, thế rồi “cái máu bóng chuyền ngấm dần khiến em không thể từ bỏ được”.
Cứ thế, cuộc sống của Thạch gắn liền với những sân bóng phủi mà tên tuổi của anh cũng vang xa khắp trong Nam ngoài Bắc. Được mệnh danh là biểu tượng của làng bóng phủi nên Thạch cũng không phải vì cái danh ấy mà quên đi sự cố gắng rèn luyện của mình.
Không phủ nhận rằng, “Thạch đen” chính là ngôi sao thành công nhất của bóng chuyền miền Nam trong các hội làng bóng chuyền miền Bắc trong tất cả các thể loại 3vs3, 4vs4 hay 6vs6. Có Thạch trong đội hình là một sự may mắn của đội bóng sở hữu anh. Lối đánh nhanh, mạnh và thông minh cùng với những cú ra tay như chớp với lực cực mạnh khuất phục mọi hàng chắn đối phương.
Nhiều người dân đi xem bóng chuyền phủi còn lầm tưởng là tuyển thủ quốc gia nào đó về đầu quân cho bóng chuyền hội làng. Tung hoành trên sân trong dịp tết đến xuân về khắp Bắc Ninh, Gia Lâm, Thái Bình...chàng trai cứ thế rong ruổi theo tiếng gọi của trái bóng để rồi bén duyên với cô gái Thái Bình (cái nôi của bóng chuyền Việt Nam). Trai Nam lấy gái Bắc rồi để cô gái của mình cũng yêu bóng chuyền như ông chồng quanh năm suốt tháng sống với bóng chuyền.
Nhìn cách đánh của Thạch, nhiều người nghĩ rằng anh hợp với bóng chuyền bãi biển. Không chỉ mọi người nghĩ mà ngay đến HLV Nguyễn Trọng Quốc cũng đôi ba lần mời anh về chơi bóng chuyền bãi biển trong màu áo Khánh Hòa.
Nhưng rồi, anh vẫn từ chối bởi sợ sự hòa nhập của mình với bóng chuyền chuyên nghiệp. “Tuổi em đã lớn và thực sự em thấy cuộc sống với những sân phủi thích hợp hơn nên cơ hội cứ trôi qua như vậy”. Không chút tiếc nuối, chàng trai đen bóng trên sân vẫn cứ cháy với niềm đam mê mà theo nhiều người có thể coi là...ngược đời.
“Chơi chuyên nghiệp cũng có cái hay, nhưng em vẫn nghĩ rằng sau khi từ giã sân chơi, liệu em có được công việc và cuộc sống như hiện tại không?”. Nghĩ cũng đúng cho những trăn trở của Thạch sau khi không còn sức lực cống hiến. Thạch nói “Em thích mô hình như CLB Vật liệu Xây dựng Bình Dương, ở đây các cầu thủ sau khi giải nghệ đều được đơn vị tạo công ăn việc làm ổn định, hơn nữa những tiêu chí mà đội bóng đặt ra cho VĐV không quá khắt khe như các đội khác khiến em có cảm tình”
“Quái vật hội làng” chính là cái biệt danh nói lên cái chất của Thạch với sân bóng chuyền phủi. Với anh, cuộc sống và bóng chuyền là tình yêu còn tất cả mọi thứ khác cũng chỉ là phù phiếm xa hoa ngoài tầm với.
Chia sẻ thẳng thắn sau câu hỏi: "Áp lực khi chơi bóng phủi với những vụ dàn xếp tỷ số để có tiền?". Thạch nói: “Em là người không phải vì đồng tiền mà làm tất cả. Em cũng có gia đình và có con nên em xác định mình chơi với chính niềm đam mê và thực lực của mình để nhận lại chính công sức mình bỏ ra. Đó mới là thứ đáng quý để sau này khi con cái và mọi người nhìn vào mình không thấy xấu hổ. Em vẫn nghĩ rằng cứ chơi và mọi sự đền đáp đều đến dù sớm hay muộn mà thôi”.
Chàng trai không giấu được nỗi băn khoăn mỗi khi nhắc đến chấn thương. Chơi nghiệp dư nên những chấn thương mình đều phải tự điều trị, không chỉ thế còn mất khá nhiều thời gian để tập lấy lại phong độ.
Còn nhớ tháng 8/2019 sau khi chơi giải bóng chuyền CA Hà Tĩnh, Thạch dính chấn thương gối. Lúc này, đang xây nhà cho vợ con có chỗ ở khang trang rộng rãi hơn nên anh vẫn nén đau để thi đấu kiếm tiền bù vào tổ ấm của hai vợ chồng. Chấn thương khiến phong độ đi xuống, nhưng với tình yêu và sự quyết tâm anh đang tập luyện để trở lại với chính tình yêu của mình.
Với Thạch, không có sự kích thích nào hiệu quả bằng nhìn thấy trái bóng và được thỏa sức với nó trên các mặt sân phủi. “Nếu con em sau này yêu thích bóng chuyền, chắc chắn em cũng phải chiều vì ngày xưa bố nó cũng từng đam mê nên em hiểu được”. Đó là câu chia sẻ nói lên tình yêu mà chàng trai Quảng Trị với biệt danh “Quái vật hội làng” dành cho bóng chuyền.
Những pha bóng hay nhất của Thạch "đen". Nguồn: Toàn Chelsea