Nhìn bóng chuyền hội làng, ngẫm giải VĐQG
Chỉ những người hâm mộ từng đến nhà thi đấu Việt Trì, Phú Thọ để chứng kiến các trận đấu của Cúp Hùng Vương mới thấy bầu không khí khán đài cuồng nhiệt như thế nào. Trên khán đài gần như không còn chỗ trống. Ban tổ chức nhà thi đấu Việt Trì còn phải bổ sung thêm những hàng ghế phụ sát mặt sân để khán giả thưởng thức.
Bóng chuyền hội làng tại nhiều địa phương cũng không hề kém cạnh khi khán giả ngồi chật cứng sân, chen lấn, xô đẩy vì muốn tận mắt chứng kiến các ngôi sao bằng da bằng thịt thi đấu trong sân. Sức hút của bóng chuyền là rất lớn đối với người dân Việt Nam, nhất là các vùng quê xa xôi thiếu thốn những thú vui, giải trí.
Nhưng nhìn lại cảnh đìu hiu của giải bóng chuyền VĐQG trên khán đài mới chợt giật mình so sánh. Dẫu biết mọi sự so sánh là bất hợp lý nhưng dẫu sao cũng thấy chạnh lòng. Mặc dù là các đội bóng mạnh thi đấu với chất lượng chuyên môn thuộc hàng cao nhất của bóng chuyền nước nhà nhưng khán giả vẫn… thờ ơ?
Việc đầu tiên phải kể đến công tác truyền thông cho giải đấu chưa được như mong đợi. Từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho tới đơn vị tổ chức chưa mang tới khán giả đầy đủ những “món ăn tinh thần” khuyến khích người hâm mộ háo hức chờ đợi. Đó là thiếu sót trong khâu quảng bá giải đấu và hỗ trợ truyền thông của những người quản lý.
Nhiều năm nay, vẫn một kịch bản phát sóng trên một số kênh của đài truyền hình và vào những khung giờ nhất định tập trung trong khoảng 5-7 ngày/giải. Khán giả như bội thực bởi không ít trận đấu có chất lượng chuyên môn thấp. Nên chăng giải bóng chuyền VĐQG nghĩ tới tổ chức một giải đấu theo kiểu đánh sân nhà sân khách vào mỗi cuối tuần để thu hút khán giả truyền hình và các hạ tầng OTT.
Một bất cập khá lớn khi 2 trận chung kết nội dung nam, nữ của giải lại tổ chức cùng giờ, cùng ngày khiến khán giả khó có thể teo dõi một cách trọn vẹn. Nên chăng, giải bóng chuyền VĐQG nhìn cách tổ chức của BTC Cúp Hùng Vương khi chọn 2 trận chung kết trong 2 ngày khác nhau để hu hút khán giả hơm.
Một điều quan trọng khi so sánh sức hút của giải hội làng với giải đấu cao nhất cả nước là giải bóng chuyền VĐQG nằm ở mực tiền thưởng. Các mức thưởng cao ngất và thêm vào khoản thưởng nóng giúp cho những giải đấu hội làng nhận được sự quan tâm lớn. Tại giải bóng chuyền VĐQG mặc dù không thể áp dụng điều đó nhưng mức thưởng quá bèo bọt nhiều năm qua cho các vị trí nhất, nhì, ba khiến cho sức hút của giải bị suy giảm.
Năm nay, sau khi nhận được gói tài trợ của tập đoàn FLC, giải thưởng của các đội có thứ hạng cao được cải thiện song cho tới thời điểm này, BTC giải vẫn chưa công bố cụ thể mức thưởng khiến NHM tỏ ra hoài nghi.
Để thu hút khán giả tới sân hoặc thường xuyên theo dõi các trận đấu không chỉ thuộc giải bóng chuyền VĐQG mà các giải đấu thấp hơn, thiết nghĩ những người làm công tác quảng bá hình ảnh giải đấu cần có hướng đi cụ thể và quyết liệt hơn giúp cho hình ảnh “Bóng chuyền Việt Nam” được long lanh hơn trong mắt người hâm mộ nước nhà.