Nhìn lại lịch sử các vụ chuyển đổi phiên hiệu của bóng chuyền Việt Nam
Thời điểm những năm 90, Dệt Long An là đội bóng mới được thành lập (1986) và giành được những thành tích đáng tự hào. Bề dày truyền thống của CLB với 7 lần đứng trong Top 3 của thập kỷ 90. Khi Công ty Dệt Long An gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đội bóng chuyền cũng gặp những khó khăn nhất định, nhưng tiềm năng của đội thì lớn.
Nhận thấy tiềm năng lớn của đội bóng, ngày 26/8/2004 tại Sở TDTT Long An, Công ty Phân bón Bình Điền đã ký hợp đồng trách nhiệm với Sở để thỏa thuận về việc tiếp nhận đội bóng và đổi tên thành đội bóng chuyền Bình Điền - Long An. Lễ ra mắt đội bóng chuyền nữ Bình Điền - Long An đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Long An vào ngày 16/9/2004.
Trước đó với bóng chuyền nam của thành phố mang tên Bác, đội bóng Công nhân Hóa chất giải thể cũng trở thành chủ đề nóng ngày đó. Cùng thời điểm, đội Xí nghiệp in 2 giải thể khiến một số VĐV không biết đi đâu về đâu. Đứng trước tình hình đó đội bóng chuyền nam Dệt Thành Công đang tham gia thi đấu hạng A2 toàn quốc tiếp nhận các VĐV Bá Nghị, Trần Hùng… chuyển đến.
Năm sau đội được đặc cách lên thi đấu hạng A1 toàn quốc sau những thành tích nỏi bật của mùa giải trước. Năm 1990, khi đội Công nhân Hóa chất giải thể, đội nhận tiếp các VĐV Trương Hữu Vinh, Cao Xuân Thái, Đào Thanh Hùng, một số VĐV từ lò Năng khiếu Nghiệp vụ của TP.HCM. Được sự dẫn dắt của các HLV giỏi như Nguyễn Xuân Dung và Nguyễn Thành Lâm, đội mạnh dần lên và tạo được nhiều thành tích tốt như nhiều lần vô địch giải A1. Sau những lần sát nhập và trưởng thành, tới năm 2000, cái tên Dệt Thành Công bị xóa tên khỏi bản đồ bóng chuyền Việt Nam.
Dệt Nam Định là đội bóng chuyền nữ oai danh một thuở ở làng bóng chuyền nữ miền Bắc với nhiều chiến tích lẫy lừng cùng dàn VĐV chất lượng cao. Sau khi Công ty Dệt Nam Định khó khăn về kinh tế, việc chuyển đổi đã diễn ra khá nhanh chóng khi Ngân hàng Công Thương có nguyện vọng tiếp nhận.
Thay đổi đầu tiên của đội bóng là tên hiệu và địa điểm tập luyện, các VĐV được chuyển về Hà Nội tập luyện cùng cái tên Ngân hàng Công thương từ năm 2003. Tính đến thời điểm hiện tại, sau gần 20 năm tồn tại dưới cái tên Ngân hàng Công thương đội bóng đã lớn mạnh và trở thành 1 trong tứ “đại tỉ” của làng bóng chuyền nữ.
Bóng chuyền nữ Việt Nam còn chứng kiến vụ chuyển nhượng đội bóng được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản Vietsopetro chuyển giao cho Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương. Đúng theo dự kiến tháng 11/2013, VietsovPetro xác nhận hoàn tất chuyển giao đội bóng chuyền nữ gồm 17 VĐV (7 VĐV đội hình chính, 10 VĐV trẻ) cho Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên đến phút chót, sự bất đồng giữ VĐV và BLĐ khiến mọi thứ đổ bể và việc giải tán CLB là điều tất yếu. Vụ việc cũng khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực vì những lùm xùm xung quanh và vụ việc cũng để lại không ít tiếc nuối cho đội bóng được đầu tư một cách chuyên nghiệp nhất vào thời điểm đó.
Đầu mùa giải 2021, sau khi Truyền hình Vĩnh Long xin bỏ giải và xóa tên đội 1, nhiều thông tin cho rằng Ninh Bình là đội muốn tiếp nhận và sẵn sàng chuyển nhượng cả đội để tham dự ngay Cúp Hoa Lư - Bình Điền 2021 và dự giải bóng chuyền VĐQG PV GAS 2021 trong tháng 3 sắp tới.