Thu hút khán giả đến với bóng chuyền: Vấn đề đau đầu của những nhà tổ chức
Bóng chuyền có thể nói là môn thể thao số 2 chỉ sau bóng đá. Sức hấp dẫn của nó thì có thừa về mặt chuyên môn lẫn hình ảnh nhưng tại sao khán giả vẫn chỉ lèo tèo trên đầu ngón tay tại mỗi trận đấu. Đa phần các giải đấu lớn trong hệ thống giải của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam rất khó thu hút được sự quan tâm của khán giả.
Hỏi rằng các cô gái xinh đẹp, cao ráo và long lanh như hoa hậu cùng các nam vương của bóng chuyền nam lại không cuốn hút như như sao túc cầu chăng? Có chứ, nhìn vào lượng fan hâm mộ trên các trang cá nhân của mỗi một ngôi sao bóng chuyền dù là mới nổi cũng thấy họ không thua kém các sao bóng đá hay của các môn thể thao khác. Nhưng khán giả trên sân với những giải đấu thì lại ở mức “lèo tèo”. Vấn đề này do đâu và làm sao để kéo được khán giả tới sân bóng chuyền là câu hỏi bấy lâu nay chưa thể giải quyết.
Hàng năm, giải bóng chuyền trên khắp Việt Nam diễn ra khá nhiều từ các cấp độ U19, U23, Hạng A toàn quốc hay VĐQG và còn chưa kể đến các giải đấu Cúp lớn như VTV Cúp, Cúp Hùng Vương, Cúp Hoa Lư, Cúp LienVietPostBank hay Cúp Đạm Cà Mau...tuy nhiên trong số đó điểm danh chỉ có những giải đấu đã ăn vào tiềm thức NHM bóng chuyền như Cúp VTV và Cúp Hùng Vương còn được khán giả chú ý. Còn lại tất cả đều nhận được sự thờ ơ của phần đông NHM.
Nhìn vào giải bóng chuyền cao nhất của Việt Nam như giải VĐQG hàng năm trên khán đài chỉ lèo tèo vài CĐV trung thành. Quay san giải hạng A còn ngán ngẩm hơn nữa khi không nhận được sự quan tâm của NHM. Tuy nhiên một số giải trẻ hoặc giải khác được tổ chức tại các địa phương có truyền thống đam mê môn thể thao này thì nhận được sự quan tâm khá lớn vì có đội chủ nhà thi đấu.
Nhìn sang giải bóng chuyền hội làng hoặc những giải bóng chuyền truyền thống của các đơn vị khác khi có dàn tuyển thủ quốc gia về thi đấu thì khán giả tới chật kín sân. Những ngày tết đến xuân về trên các miền quê Gia Lâm, Đông An hoặc địa phương khác như Bắc Ninh, Thái Bình….dân xem bóng chuyền còn đông hơn cả bóng đá. Vấn đề này phản ánh chính xác niềm đam mê cũng như nhu cầu của NHM bóng chuyền trên cả nước.
Vậy do đâu mà một giải lớn như giải bóng chuyền VĐQG lại không nhận được sự quan tâm đúng mực? Phải chăng do cách làm của đơn vị tổ chức, chưa quan tâm tới truyền thông sâu rộng trong cộng đồng hay chưa thể làm sôi động hơn giải đấu vì chất lượng chưa cao? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho những người làm bóng chuyền nước nhà. Cần làm gì và làm như thế nào để nhận được sự quan tâm, khích lệ của lực lượng VĐV thứ 7 trên sân giúp các cầu thủ thi đấu hưng phấn hơn và họ sẵn sàng đáp ứng lại thịnh tình đến từ NHM bóng chuyền nước nhà.
Thử đặt câu hỏi với những người hâm mộ bóng chuyền trên sân Tam Đảo Vĩnh Phúc tại giải bóng chuyền trẻ toàn quốc 2020 vừa qua, một NHM cho biết “ Mặc dù xa NTĐ đến gần 30km nhưng vẫn một mình đi xe máy về để tận mắt chứng kiến các VĐV thi đấu và cống hiến dưới sân sau khi nhận được thông tin từ một người bạn đang có mặt tại giải”.
Như vậy một điều cho thấy rằng công tác truyền thông sâu, rộng cho giải đang là vấn đề cần giải quyết trước mỗi giải đấu. NHM không có thông tin và đương nhiên giải đấu sẽ mất đi nguồn thu (nếu bán vé) và trận đấu sẽ thiếu đi khán giả. Điều quan trọng không kém là nâng tầm giải đấu bằng chất lượng ví dụ nghiên cứu vấn đề ngoại binh, số lượng đội bóng hoặc các giải đấu cúp là chất lượng khách mời….đây cũng được coi là những mấu chốt để giải quyết về vấn đề khán giả.