Xuất khẩu cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam so với láng giềng: Quá khiêm tốn
Mặc dù Thanh Thúy sang Nhật Bản thi đấu là tín hiệu mừng không chỉ cho bóng chuyền nữ Việt Nam mà đó còn đánh dấu sự chú ý của các nền bóng chuyền tiên tiến tới chúng ta. Tuy vậy, từ việc một quốc gia có nền bóng chuyền đã chuyển mình sang chuyên nghiệp tới gần 20 năm nay cùng với giải VĐQG khá chất lượng và liên tục nằm trong Top có Huy chương của các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á thì chỉ có mình Thanh Thúy xuất ngoại là quá ít so với các nước trong khu vực.
Trước đây chúng ta cũng có những lần xuất ngoại lớn hơn con số 1 VĐV như của Trần Thị Bích Thủy và Trịnh Thị Khánh đầu quân cho CLB Air Force tiền thân là nhà vô địch châu Á 2016, Bangkok Glass thi đấu tại Thailand League mùa giải 2018/2019. Đó là số lần ít ỏi mà bóng chuyền nữ Việt Nam xuất khẩu được đến 2 VĐV trong một mùa giải.
Quay ngược thời gian, những trường hợp như Ngọc Hoa, Thanh Thúy hay Kim Liên, Đỗ Thị Minh trước đây để so sánh với những quốc gia láng giềng của chúng ta mới thấy nó quá ít ỏi và khiêm tốn. Bóng chuyền nữ Philippines mặc dù luôn đứng sau chúng ta tại SEA Games nhưng mùa này đã có tới 2 VĐV được các đội bóng nước ngoài mời thi đấu. Trước đó, không ít VĐV đã được xuất khẩu sang các nước có nền bóng chuyền hiện đại.
Bóng chuyền nữ Thái Lan mùa này có cả nguyên một đội hình thi đấu tại 2 nền bóng chuyền hàng đầu thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản. Gần đây, cái tên mới nhất của bóng chuyền nữ Thái Lan - chủ công Chatchu-on Moksri đã gia nhập CLB Sarıyer Belediyesi Spor trở thành đồng đội của Atcharaporn Kongyot trong mùa giải 2021.
Tính tới thời điểm hiện tại, Thái Lan có tới 9 VĐV chuyển đến thi đấu tại giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ, sau Onuma Sitthirak (Şişlispor), Pluemjit Thinkhao (Ereğli Belediyespor), Malika Kanthong (Ereğli Belediyespor), Wilawan Apinyapong (Ereğli Belediyespor), Saimai Paladsinan (Narumon Khachuay) Yeşilyurt và Nootsara Tomkam (Fenerbahçe).
Như vậy, trong mùa giải 2021, bóng chuyền nữ Thái Lan đã có tới 2 VĐV thi đấu tại châu Âu, 4 VĐV thi đấu tại Nhật Bản (Thatdao, Hattaya, Jarusporn, Pimpitchaya). Những con số khiến bóng chuyền nữ Việt Nam cảm thấy khiêm tốn nếu như so sánh một cách sòng phẳng trên phương diện xuất khẩu cầu thủ ra các nền bóng chuyền tiên tiến.