Các CLB Anh “đốt tiền” cho môi giới cầu thủ: Cái giá để tranh bá
Liverpool lót tay nhiều nhất
Bảng thống kê chi phí cho các đại diện ở Premier League vừa được công bố dựa trên 1.287 cuộc giao dịch trong năm 2015, bao gồm 172 vụ mua và mượn cầu thủ, 542 trường hợp ký mới hoặc gia hạn hợp đồng cùng 573 vụ bán và cho thuê cầu thủ. Theo đó, mọi cuộc giao dịch đều có hoa hồng cho các tay môi giới với mức độ khác nhau tùy thuộc vào giá trị cầu thủ hay thời gian hợp đồng... Không khó nhận ra hiện tượng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” cùng khát vọng của từng CLB qua tổng số tiền trả cho các đại diện cầu thủ tăng hơn năm trước 15 triệu bảng và chúng có liên quan nhất định tới giá trị bình quân của từng cầu thủ đã được thi đấu ở EPL 2015/16, cũng như tác động tới thứ bậc trên BXH.
Bởi lẽ, chẳng quá bất ngờ khi Liverpool chi hào phóng nhất cho môi giới do cựu HLV Brendan Rodgers muốn có Christian Benteke (32,5 triệu bảng), Roberto Firmino (29 triệu bảng), Nathaniel Clyne (12,5 triệu bảng) và Joe Gomez (3,5 triệu bảng). Thực trạng này một phần do Rodgers muốn chiếm cho bằng được những mục tiêu ưng ý nhằm giữ ghế, còn chủ sân Anfield chấp nhận chi đậm với hy vọng giành ngôi vô địch Premier League đầu tiên trong lịch sử.
Muốn giữ quân cũng phải chi đậm
Arsenal là trường hợp đáng chú ý khác khi “Pháo thủ” chỉ tăng cường Gabriel Paulista (13,5 triệu bảng) cùng Krystian Bielik (2,4 triệu bảng) hồi đầu năm, rồi thêm Petr Cech (10 triệu bảng) ở hè, nhưng chi cho môi giới chỉ ít hơn 4,3 triệu bảng so với năm 2014 khi mua Alexis Sánchez (30 triệu bảng), Danny Welbeck, Calum Chambers (đều 16 triệu bảng), Mathieu Debuchy (12 triệu bảng) và David Ospina (3 triệu bảng). Nguyên nhân là do HLV Arsene Wenger còn cần gia hạn hợp đồng cho các trụ cột để duy trì đội ngũ hùng mạnh nhằm tranh chấp ngôi quán quân EPL, chưa kể cần bồi thường cho các đại diện khi bán khách hàng của họ như Lukas Podolski sang Galatasaray.
Trong nỗ lực trở lại Champions League và tranh chấp ngôi vô địch EPL, Man Utd thậm chí đã xếp trên Man City do Louis van Gaal vừa bổ sung 5 tân binh đắt giá như Anthony Martial (36 triệu bảng), Morgan Schneiderlin (25 triệu bảng), Memphis Depay (24 triệu bảng), Bastian Schweinsteiger (13,5 triệu bảng) và Matteo Darmian (12,7 triệu bảng), chưa kể Sergio Romero thuộc diện chuyển nhượng tự do. Đồng thời, “Quỷ đỏ” còn thiệt thòi khi bán Angel di Maria dù vừa ký hợp đồng mới 5 năm và chia tay Javier Hernandez (7,3 triệu bảng), Jonny Evans (6 triệu bảng), Nani (4,25 triệu bảng), Robin van Persie (3,84 triệu bảng) cùng Rafael Da Silva (2,5 triệu bảng). Ngoài ra, chủ sân Old Trafford vẫn còn trả chậm các khoản bồi dưỡng cho môi giới liên quan đến những vụ mua Marouane Fellaini (27,5 triệu bảng) và Juan Mata (37,1 triệu bảng) thời David Moyes.
“Nghịch lý” thật ra... hợp lý
Chi tiết đáng chú ý khác là trong lúc hầu hết “Big 5” chi đậm cho môi giới để duy trì đội ngũ đắt giá nên phần lớn đều giữ được vị thế trong Top 6, EPL 2015/16 vẫn có ngoại lệ với Chelsea đang đứng thứ 14 trên BXH, cho dù số tiền cho các tay đại diện xếp thứ 4 và giá trị bình quân của mỗi cầu thủ cao thứ 3. Phải chăng đoàn quân của Jose Mourinho đang là ngoại lệ của hiện tượng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, hoặc đây là bằng chứng cho thấy “Người đặc biệt” thật ra đã hết thời, nên dù Chelsea đầu tư chẳng kém các đối thủ khác trong “Big 5”, chủ sân Stamford Bridge hiện phải đứng ở vị trí khá chói mắt là hạng 14 ở EPL?
Thật ra, “nghịch lý” ở Chelsea khá hợp lý. Trước hết, các khoản tiền mà CLB này cho đại diện rõ ràng không ít, vì họ thực hiện rất nhiều vụ chuyển nhượng, bao gồm mượn Radamel Falcao, mua 11 tân binh và chia tay 9 cựu binh. Nhưng quan trọng hơn, Chelsea mua nhiều, nhưng chủ yếu chỉ nhằm đầu tư cho tương lai, hoặc mua tài năng trẻ để đào tạo. Con số tài năng trẻ này chiếm tới 7 trong 11 vụ tuyển mộ, mà phần lớn không thể sử dụng ngay do sớm bị đem cho mượn (5 người). Đấy là chưa kể Papy Djilobodji thuộc trường hợp vá víu ở phút chót do không mua được John Stones (Everton), nên không đáp ứng yêu cầu về chất lượng của HLV người BĐN. Trong khi ấy, vụ Falcao sớm được thừa nhận như một canh bạc.
Nói cách khác, Chelsea trở thành cá biệt trong “Big 5” chỉ do định hướng và chọn lựa có độ rủi ro cao. Một mặt có lẽ họ quá tự tin vào đội ngũ vừa vô địch Premier League mà không ngờ thể lực của các trụ cột rơi tự do bởi tuổi tác. Mặt khác có thể là vì Chelsea không chú trọng ngôi cao ở mùa này, thay vào đó là chiến lược dài hơi nhằm giảm hẳn phụ thuộc tài chính vào ông chủ Roman Abramovich. Điều này cũng giải thích tại sao Chelsea chưa sa thải Mourinho.