Cầu thủ trẻ Anh: Lóa mắt trước những con số "ảo"
Giờ khối người… cười vào nhận xét của Danny Murphy. Cựu tiền vệ của Liverpool và Fulham, người đã chơi hơn 600 trận ở Premier League và giờ làm BLV đài BBC nhận xét: “Lingard, Alli và Dier là những tài năng, có thể còn vươn lên tầm thế giới, nhưng họ chưa sẵn sàng chút nào”. Ý “chưa sẵn sàng” Murphy nói đến là việc khoác áo Tuyển Anh.
Hãy nhớ, dù trải qua sự nghiệp lẫy lừng, Murphy mới có 9 lần chơi cho “Tam sư” và ghi 1 bàn. Murphy lần đầu được triệu tập vào “Tam sư” lúc 24 tuổi, khi anh tạo dựng được vị trí vững chắc ở Liverpool cũng như giành được kha khá danh hiệu cấp CLB. Nói như Murphy, ngày ấy chen chân vào tuyển Anh khó lắm.
Giờ ở tuổi 19, Dele Alli đã chơi 4 trận cho “Tam sư”, Eric Dier - 21 tuổi - có 2 trận và Lingard -“già” nhất cũng mới 22 tuổi - vừa lần đầu tiên được tập trung. Liệu đám nhóc này có tài năng hơn Murphy và những cái tên khác xứng đáng được trao cơ hội ở ĐTQG?
Cú nã đại bác của Dele Alli mở ra chiến thắng trước tuyển Pháp (2-0) ở Wembley có thể xem như một ý trả lời. Bàn thắng đó cho thấy phẩm chất của một tiền vệ trung tâm trẻ sáng giá hiện nay của Tottenham cũng như bóng đá Anh.
Nhưng hãy nhớ đây chỉ là giao hữu và đó mới là khởi đầu của một cầu thủ 19 tuổi. Nó chưa hoàn toàn đầy đủ ý nghĩa, nếu cần lời lý giải trọn vẹn cho việc rất nhiều cầu thủ tuổi đôi mươi được triệu tập lên tuyển Anh và ưu ái cho ra sân.
Hẳn khi nhìn Dele Alli thi đấu nhiều người sẽ liên tưởng đến Jermaine Jenas, vì sự giống nhau về ngoại hình, vị trí thi đấu cũng như phong cách chơi. Jenas từng chơi hơn 200 trận, ghi 26 bàn cho Tottenham và trước khi tới đó, anh là “Cầu thủ trẻ hay nhất Premier League mùa 2002/03” ở Newcastle.
Thời huy hoàng, Jenas khoác áo tuyển Anh ở tuổi 19 như Dele Alli bây giờ. Nhưng tài năng trẻ ngày nào đã thui chột dần theo năm tháng và mới giải nghệ ở tuổi… 30. Giờ người ta phải đặt dấu hỏi về tiềm năng phát triển của những Alli, Dier, Lingard. Liệu đôn đám nhóc này lên đội tuyển quá sớm có tốt cho họ và liệu đây đơn thuần có phải là quyết định cá nhân của Roy Hodgson?
Thống kê đã chỉ ra rằng trong chưa đầy 50 trận cầm quyền, Hodgson đã trình làng hơn 30 tân binh ở “Tam sư” và hầu hết đó là những gương mặt trẻ. Giải thích rằng ông đang “đãi cát tìm vàng” cũng được.
Nhưng mặt khác không thể phủ nhận các yếu tố bên lề đã, đang và sẽ còn tác động đến việc rất nhiều cầu thủ trẻ được “ép chín sớm” để khoác áo ĐTQG, thay vì chơi cho lứa U.21 hoặc thậm chí U.19 thì phù hợp hơn, để tích lũy thêm kinh nghiệm và phần nào hạn chế chính sự tự kiêu, ảo tưởng với tài năng của mình.
Ở đây, yếu tố tác động rõ nhất chính là truyền thông. Ai cũng biết truyền thông xứ Sương mù rất giỏi lăng-xê cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ nhí có chút ít tài năng hoặc chỉ cần được sử dụng thường xuyên ở CLB tại Premier League.
Mùa này, Dier và Alli được nhắc đến nhiều nhất khi Tottenham xuất hiện trên mặt báo hoặc sóng truyền hình. Tương tự, Lingard được xem như “hiện tượng”, dù xét về tài năng anh này chưa chắc đã bằng Adnan Januzaj mới bị đẩy sang Dortmund. Và trong khoảng 2 năm trở lại đây, truyền thông Anh quen nhìn nhận John Stones như trung vệ trẻ hay nhất thế giới.
Tất nhiên, có bột mới gột nên hồ. Nhưng phải thừa nhận rằng những cầu thủ trẻ đang được truyền thông khoác lên mình quá nhiều những lời tung hô có cánh. Và nếu truyền thông là chưa đủ, áp lực từ phía các CLB tiếng tăm sở hữu những cầu thủ trẻ sẽ buộc cánh cửa dẫn lối vào ĐTQG phải mở rộng ra. Man Utd - đội bóng quyền lực nhất giải Ngoại hạng và Tottenham - lò đào tạo trẻ có tiếng bậc nhất, chính là những CLB có tiếng nói quan trọng và tầm ảnh hưởng trong việc triệu tập thành phần tuyển Anh hiện tại.
Sau cùng, những nhà tài trợ, từ cấp CLB đến ĐTQG, cũng muốn thấy những ngôi sao trẻ ở những đội bóng lớn được lăng-xê lên tuyển hơn là nhìn vào một tài năng trẻ lạ hoắc đến từ một CLB tỉnh lẻ nào đó.
Rõ ràng, một khi yếu tố chuyên môn chưa chắc đã là cơ sở chính, mà còn nhiều tác động bên lề để những cầu thủ tuổi đôi mươi được triệu tập và chơi cho ĐTQG, xem ra “Tam sư” đang biến thành trạm trung chuyển mà ở đó giá trị cầu thủ trẻ được “đánh bóng” để phục vụ cho mục đích khác.
Và không khó để nhận thấy đấy chính là để “thổi phồng” phí chuyển nhượng của cầu thủ. Hãy nhìn vào trường hợp của John Stones, đành rằng trung vệ 21 tuổi của Everton rất có triển vọng, nhưng liệu anh có xứng với cái giá tận 40 triệu bảng - trong khi kỷ lục chuyển nhượng của một hậu vệ (David Luiz) là 50 triệu bảng? Và liệu những Dier, Alli giờ có giá bao nhiêu, nếu 1 năm trước chẳng mấy ai biết đến những chàng trai này?
Có thể, đúng như Murphy nhận xét, những Lingard, Alli, Dier còn vươn đến tầm thế giới và tương lai của bóng đá Anh nằm trong những đôi chân ấy. Nhưng nó cũng có thể… sai bét. Sẽ cần nhiều thời gian để kiểm chứng điều đó.
Nhưng sẽ rất sớm thôi, người ta sẽ biết liệu gương mặt trẻ nào kể trên duy trì phong độ ổn định đến hết mùa và mấy người có tên trong thành phần tuyển Anh đến EURO năm sau? 6 tháng nữa thôi…