Gegenpressing của Klopp đã bị bắt bài?
Thật khó có thể lý giải nổi vì sao một đội bóng từng đánh bại cả Chelsea (3-1) lẫn Manchester City (4-1) ngay trên sân khách như Liverpool lại đang trải qua chuỗi ngày thi đấu cực kỳ thất vọng ở Premier League. Đã 3 trận liên tiếp, The Kop không hề biết đến mùi chiến thắng, thậm chí chỉ giành được vỏn vẹn 1 điểm trước West Brom (hòa 2-2).
Cách đây không lâu, thời điểm mà HLV Klopp mới cập bến sân Anfield, người ta đã sớm kỳ vọng về một thứ bóng đá gegen-pressing bùng nổ (phản công tổng lực) sẽ diễn ra trên khắp các sân cỏ nước Anh. Trên thực tế, cựu chiến lược gia Borussia Dortmund cũng không cần quá nhiều thời gian để phổ biến thứ triết lý của mình tại Merseyside.
Về mặt lý thuyết, cách thức vận hành lối chơi của Liverpool dưới thời Klopp là tương đối đơn giản, không xuất hiện quá nhiều điểm khác biệt so với Dortmund trước đây. Thay vì chủ động pressing toàn sân, The Kop chỉ tập trung gây áp lực liên tục ở khoảng 1/3 sân gần khung thành đối phương. Trong trường hợp không giành được bóng, các cầu thủ sẽ bỏ qua khu trung tuyến đồng thời lùi thật nhanh về khoảng 1/3 sân gần với cầu môn đội nhà để tiếp tục tổ chức pressing. Điểm mấu chốt ở đây chính là việc khu vực pressing chỉ được giới hạn trong những phạm vi quan trọng nhất định.
Ban đầu, chiến thuật này cũng mang đến cho Liverpool sự tươi mới cần thiết, đặc biệt là sau quãng thời gian bị rơi vào trạng thái “quá độ” dưới triều đại Brendan Rodgers. Trước Chelsea và Man City, những CLB vốn ưa thích luân chuyển bóng từ tuyến dưới, lối chơi đầy máu lửa của thầy trò HLV Klopp ngay lập tức đã phát huy tác dụng mạnh mẽ. Mặc dù vậy, mọi chuyện cũng nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của vị chiến lược gia người Đức sau khi các đối thủ ở Premier League bất ngờ tìm thấy một giải pháp hết sức đơn giản để khắc chế gegen-pressing, đó là sử dụng bóng dài, thứ vũ khí vốn được xem là truyền thống của những người Anh.
Lần lượt Newcastle United, West Brom và Watford trong vòng 3 tuần gần đây cũng như Crystal Palace từ hồi đầu tháng Mười Một đã chứng tỏ một điều rằng, hệ thống chiến thuật của Klopp hoàn toàn có thể gục ngã trước những đường chuyền dài theo kiểu “Ăng-lê”. Thực tế cho thấy, các cầu thủ bên phía Liverpool sẽ thường xuyên phải đối mặt với một “cuộc đua marathon” từ 1/3 phần sân đối phương trở về khu vực cấm địa đội nhà nhằm đảm bảo khả năng duy trì cự ly đội hình cũng như nhịp độ pressing trong lối chơi.
Hệ quả, hàng phòng ngự The Kop cũng thường xuyên rơi vào tình trạng bị động trước những tình huống lên bóng cực kỳ đơn giản và bất ngờ của đối phương. Mặt khác, do Liverpool chỉ có một mình Lucas Leiva là tiền vệ mỏ neo duy nhất (các tiền vệ khác đã dâng cao để pressing) nên ngôi sao người Brazil cũng không ít lần phải tranh chấp theo kiểu “1 vs 2”, thậm chí “1 vs 3”. Từ chỗ đông hơn đối phương về số lượng cầu thủ tham gia gây áp lực, đội quân của Klopp bỗng dưng trở nên thua thiệt về mặt quân số nơi tuyến dưới chỉ sau… một cú phất bóng dài. Đây cũng chính là nguyên lý quan trọng giải cho sự mỏng manh của hàng thủ đội bóng chủ sân Anfield.
Thống kê cho thấy, nếu như Chelsea chỉ tung ra tổng cộng 59 đường chuyền dài khi đối đầu với Liverpool thì các đội bóng chạm trán The Kop trong thời gian gần đây đã thực hiện giải pháp này một cách thường xuyên hơn. Cụ thể, với Newcastle là 82 lần, West Brom là 77 lần, Watford là 86 lần và Crystal Palace là 84 lần. Dễ dàng nhận thấy rằng, tất cả những CLB vừa nêu trên cũng có xu hướng sử dụng một trung phong cắm to cao để trở thành điểm kết cho các tình huống lên bóng trực diện, qua đó gây ra khó khăn đáng kể đối với tuyến dưới Liverpool. Trước thềm cuộc tiếp đón Leicester City vào đêm nay, sẽ không quá bất ngờ nếu như đội khách cũng lựa chọn phương án triển khai những đường chuyền dài để đánh bại thầy trò HLV Klopp.
Ngoài ra, vẫn còn một yếu tố nữa khiến cho hệ thống gegen-pressing trở nên “vô hại” ở Premier League, đó chính là khả năng kiểm soát bóng. Thay vì giữ bóng trong chân quá lâu, tạo điều kiện để các cầu thủ bên phía Liverpool dâng cao gây áp lực, những CLB như Watford, Newcastle, West Brom hay Crystal Palace đều chủ động “nhường bóng” cho The Kop. Điều này đảm bảo rằng khi đội bóng vùng Merseyside tổ chức tấn công, quân số bên phần sân đối phương của Liverpool sẽ không bao giờ nhiều hơn các cầu thủ tham gia phòng ngự. Theo thống kê, Manchester City chính là đội cầm bóng nhiều nhất khi chạm trán thầy trò Klopp (58%). Kết quả, The Citizens đã bị “gegen-pressing” đánh bại tan nát tới 4-1 ngay trên sân nhà.
Công bằng mà nói thì Klopp đã làm khá tốt nhiệm vụ của mình kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến nước Anh. Thế nhưng, Premier League vốn dĩ không phải là Bundesliga. Trong một môi trường thiên về sức mạnh, thể lực, tốc độ và cường độ thi đấu như giải Ngoại hạng, rõ ràng Liverpool đang cần nhiều hơn những yếu tố “cơ học” để đảm bảo khả năng thành công thay vì chỉ sử dụng một lối đá pressing thuần túy. Người ta vẫn đang chờ đợi xem Klopp sẽ làm thế nào để giúp cho đội bóng vùng Merseyside chơi hiệu quả hơn trong khoảng 1/3 sân đối phương, mà trước hết chính là cuộc đối đầu gặp Leicester City đêm nay.