Hợp đồng kỷ lục của Chelsea và cuộc chiến áo đấu
Ngày hôm qua, Chelsea tuyên bố họ đã ký hợp đồng tài trợ áo đấu mới với hãng thể thao Nike. Theo đó, bản hợp đồng mới có thời hạn tới năm 2032 giúp đội chủ sân Stamford Bridge mang về mức tiền tài trợ kỷ lục 60 triệu bảng/mùa.
Như vậy, 15 năm hợp đồng mà Chelsea ký với Nike giúp The Blues đút túi 900 triệu bảng, đây cũng là số tiền kỷ lục mà đội chủ sân Stamford Bridge nhận được từ một bản hợp đồng tài trợ áo đấu.
Để có được bản hợp đồng kỷ lục trên, Chelsea đã phải bồi thường 40 triệu bảng cho Adidas, đó là mức phí phá vỡ hợp đồng khi giao kèo giữa hai bên còn 6 năm nữa mới kết thúc. Dẫu vậy, với bản hợp đồng vừa ký, con số 40 triệu bảng trên không thấm vào đâu so với những đãi ngộ mới mà họ nhận được từ hãng thể thao của Mỹ.
Trước đó, The Blues chỉ nhận được 30 triệu bảng/mùa từ bản hợp đồng áo đấu của Adidas, trong khi Man Utd nhận được số tiền gấp 2,5 lần là 75 triệu bảng/mùa. Đây là nguyên nhân chính khiến đội bóng thành London chia tay hãng thể thao đến từ nước Đức.
1. Barcelona (Nike): 120 triệu bảng.
2. Real (Adidas): 107 triệu bảng.
3. Man Utd (Adidas): 75 triệu bảng.
4. Bayern (Adidas): 61 triệu bảng.
5. Chelsea (Nike): 60 triệu bảng.
Tuy nhiên, 2 đại gia đến từ Premier League vẫn phải lu mờ trước 2 ông lớn của Tây Ban Nha là Real và Barca về những bản hợp đồng tài trợ áo đấu. Trong khi đội chủ sân Bernabeu nhận được 107 triệu bảng/mùa từ Adidas, thì đội bóng xứ Catalan nhận được 120 triệu bảng/mùa từ kình địch Nike.
Nhìn lại Premier League, cuộc đua tranh giữa Man Utd và Chelsea không chỉ ở trên sân cỏ, giữa hai sắc đỏ - xanh mà còn là cuộc đối đầu giữa 2 ông lớn về trang phục thể thao là Adidas và Nike.
Có một điều không thể phủ nhận là giá trị thương mại của Man Utd lớn hơn nhiều lần Chelsea, đó là lý do khiến Adidas có quyền ưu ái “Quỷ đỏ”. Bằng chứng là trong Top 10 cầu thủ có áo đấu bán chạy nhất Premier League, 4 cái tên đến từ Man Utd áp đảo các CLB còn lại.
Dễ hiểu khi Paul Pogba, cầu thủ đắt giá nhất hành tinh và “sát thủ châu Âu” Zlatan Ibrahimovic là 2 cái tên tuy mới tới Anh nhưng có doanh thu bán áo đấu khủng nhất. Trong khi đội bóng thủ đô London chỉ có duy nhất cái tên Hazard lọt vào danh sách này thì cầu thủ chạy cánh người Bỉ đứng tận vị trí thứ 9 và chỉ hơn Rashford, tiền đạo mới 18 tuổi của “Quỷ đỏ”.
Trên thương trường, cuộc đua tài trợ áo đấu giữa 2 ông lớn Nike và Adidas hấp dẫn không kém cuộc đua trên thị trường chuyển nhượng. Chẳng bên nào nhường nhịn nhau khi miếng bánh có được từ việc bán áo đấu là quá béo bở.
Adidas: Man Utd, Middlesbrough, Sunderland, West Brom
Nike: Man City, Chelsea
Puma: Arsenal, Leicester, Burnley
Umbro: Everton, Hull, West Ham
Macron: Crystal Palace, Stoke City
Under Armour: Tottenham, Southampton
New Balance: Liverpool
Dryworld: Watford
JD Sports: Bournemouth
Joma: Swansea
Chỉ 1 tuần sau khi Ibra gia nhập Man Utd, Adidas thu về 76 triệu bảng tiền báo áo đấu của chân sút người Thụy Điển. Trừ đi mức phí 15% (tương đương 11,4 triệu bảng) trả cho Man Utd, hãng thể thao đến từ Đức vẫn nhận được 64,6 triệu bảng.
Cuối cùng, con số Adidas thu về từ việc bán áo đấu của một mình Ibra chỉ trong 1 tuần bằng 85% mức phí tài trợ của họ cho Man Utd trong 1 năm.
Lợi nhuận khổng lồ từ việc bán áo đấu là nguyên nhân chính khiến cho các hãng thể thao lao vào cuộc đua tài trợ áo đấu cho các CLB. Đơn cử như ở Premier League, 20 CLB thì có tới 9 hãng thể thao lao vào tranh giành thị phần áo đấu của các đội bóng.
Tuy vậy, Man Utd, Chelsea hay các CLB khác cũng chẳng cảm thấy thiệt thòi. Ngoài việc đút túi số tiền tài trợ từ cách hãng thể thao, các CLB còn nhận được những bản hợp đồng tài trợ khủng từ những logo quảng cáo trên áo.
Đơn cử như chiếc áo mà đội chủ sân Old Trafford đang mặc, ngoài 75 triệu bảng/mùa được tài trợ từ Adidas, Man Utd còn đút túi 53 triệu bảng/mùa từ Chevrolet đây cũng là mức phí quảng cáo lớn nhất Premier League được in trên áo đấu. Chelsea đứng thứ 2 với 40 triệu bảng/mùa từ thương hiệu Yokohama trong khi Arsenal và Liverpool cùng chung hạng 3 với 30 triệu bảng nhận được hàng năm từ Fly Empirates và Standard Chartered.
Rõ ràng sự hấp dẫn mà bóng đá mang lại không chỉ là sự cạnh tranh trên sân cỏ. Nó còn đến từ thị trường chuyển nhượng, từ đôi giầy mỗi cầu thủ đang đi hay bộ quần áo họ khoác lên mình cũng là cả câu chuyện dài để NHM bàn tán và tranh luận.