Hành trình từ 4 bảng đến 400.000 bảng một tuần của lương cầu thủ
Khi nhìn lại thời điểm các CLB trả lương bằng cá hồi, hay 100 bảng Anh trở thành mức phí kỷ lục, người ta mới thấy sức mạnh của đồng tiền ở bóng đá hiện đại.
Paul Pogba đang được Man Ud chèo kéo với mức phí chuyển nhượng 100 triệu bảng cùng với khoản lương 208.000 bảng/tuần, mức đãi ngộ cao nhất Premier League ở thời điểm hiện tại.
Và khi quay trở về quá khứ, thời điểm mà các CLB trả lương cầu thủ bằng … cá và bia, hay 100 bảng Anh trở thành mức phí chuyển nhượng kỷ lục, người ta mới chợt giật mình về sự thống trị của đồng tiền trong nền bóng đá hiện đại.
Thời kỳ hoang sơ của bóng đá được cho là vào những năm 80 của thế kỷ 19 tại Anh. Khi đó, môn thể thao này chỉ được coi là trò tiêu khiển của các công nhân sau thời gian làm việc vất vả. Mọi thứ đều hoàn toàn nghiệp dư. Không tiền lương, không scandal, các cầu thủ thả hồn trên những thảm cỏ xanh với tất cả niềm đam mê.
Tuy nhiên, theo năm tháng, máu ăn thua trong các trận đấu khiến cho các đội bóng bắt đầu nghĩ đến việc lôi kéo các cầu thủ danh tiếng của các CLB kình địch. Điều mà ngày nay chúng ta thường gọi là “Nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy gia nhập họ!”.
Năm 1878, “Gã nhà giàu” Darwen ở Scotland đã chiêu mộ thành công Fergie Suter, một người thợ đẽo đá, đồng thời là trung vệ xuất sắc nhất ở vùng Lancashire thời điểm đó. Mức giá mà Darwen đưa ra để nhận được cái gật đầu từ Suter chính là rất … nhiều cá hồi và bia, đủ cho anh dùng trong suốt quãng đời còn lại. Suter cũng được coi là cầu thủ đầu tiên trên thế giới có “phí chuyển nhượng”.
Đến năm 1879, Darwen phải hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích khi dư luận cho rằng họ đã trả tiền để cho bộ đôi người Scotland Fergie Suter và James Love ra sân thi đấu. Tuy nhiên, đối với các CLB khác, đây chính là dấu hiệu thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc chuyển nhượng và đãi ngộ cho các cầu thủ.
Đến năm 1901, để ngăn cản việc các đại gia đua nhau “chơi bóng đá”, chính quyền Anh quyết định: Các cầu thủ đá bóng chỉ được nhận tối đa 4 bảng/tuần, không hơn không kém.
Sau hơn 20 năm kể từ thời điểm Darwen thực hiện phi vụ chuyển nhượng Fergie Suter, Middlesbrough đã tạo nên một kỷ lục mới trên thị trường chuyển nhượng (TTCN) khi đưa về Alf Common từ đội bóng kình địch Sunderland với mức giá 1.000 bảng vào năm 1905.
Mua “sao” thì phải giữ “sao”, các CLB ở Anh đã nâng mức lương cho các cầu thủ trụ cột lên 8 bảng/tuần, tức là gấp đôi so với mức lương được quy định bởi chính quyền nước này.
Năm 1928, Arsenal đã phá giá thị trường khi đưa về tiền đạo David Jack với mức giá 10.890 bảng. Mức phí này giúp cho David Jack trở thành cầu thủ đầu tiên trên thế giới có mức phí chuyển nhượng lớn hơn 10.000 bảng.
Đến năm 1946, sau khi ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), cựu đội trưởng CLB Portsmouth Jimmy Guthrie đã nâng mức tiền lương của các cầu thủ lên một tầm cao mới. Theo đó, mỗi cầu thủ sẽ nhận được 12 bảng/tuần và 10 bảng/tuần trong thời gian thi đấu mùa hè.
Tuy nhiên, chỉ 14 năm sau khi quy định trên có hiệu lực, bóng đá thế giới đã chứng kiến cầu thủ đầu tiên được hưởng mức lương 100 bảng /tuần, đó là tiền đạo Jonny Haynes của Fulham. Đây cũng là điểm nhấn đầu tiên trong thời gian ông Jimmy Hill giữ chức Chủ tịch PFA.
Một năm sau, Denis Law trở thành cầu thủ đầu tiên có mức phí chuyển nhượng 100.000 bảng sau khi anh đồng ý đến với Manchester United từ Torino.
Kỷ lục của Denis Law cũng chỉ duy trì được 17 năm khi Nottingham Foerest đã bỏ ra 1 triệu bảng để Birmingham City “nhả” Trevor Francis vào năm 1979. Cũng trong năm đó, thủ môn huyền thoại Peter Shilton trở thành cầu thủ được hưởng lương cao nhất tại Anh với 1.200 bảng/tuần.
Đến năm 1994, tiền đạo Chris Sutton thiết lập một kỷ lục mới khi anh được hưởng mức lương lên tới 10.000 bảng/tuần. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, Denis Bergkamp đã trở thành cầu thủ được trả công hậu hĩnh nhất với mức đãi ngộ gấp 2,5 lần tiền đạo của Blackburn.
Mùa giải Premier League 1996/97 chứng kiến một kỷ lục mới trên TTCN khi Alan Shearer chuyển từ Blackburn Rovers sang Newcastle với mức giá 15 triệu bảng.
Đến năm 2000, BLĐ Quỷ đỏ thành Manchester đã phải đưa ra mức đãi ngộ 50.000 bảng/tuần đề giữ chân tiền vệ Roy Keane. Chỉ sau đó 1 năm, kỷ lục của Roy Kean bị phá vỡ với mức lương 100.000 bảng/ tuần mà Arsenal dành cho trung vệ Sol Campell, người mà các Pháo thủ không tốn bất kỳ đồng bảng nào để đưa về từ đối thủ truyền kiếp Tottenham Hotspur.
Kể từ đây, tất cả những kỷ lục đều có thể bị phá vỡ bất kỳ lúc nào.
Carlos Tevez trở thành cầu thủ đầu tiên vượt mức 1 triệu bảng/tháng, tương đương gần 300.000 bảng/tuần khi thi đấu cho “Gã nhà giàu” Man City.
Hiện nay, những người có được mức lương như Tevez ở thời điểm đó … nhiều như lá rụng mùa Thu, nhất là ở các giải đấu tại UAE hay Trung Quốc, nơi mà thành tích được đong đếm bằng độ chịu chi của các đội bóng.
Theo các con số thống kê, Ezequiel Lavezzi bỏ túi 400.000 bảng/tuần kể từ khi đầu quân cho CLB Hà Bắc Trung Cơ (Hebei China Fortune).
Như vậy, sau 100 năm (từ năm 1901), mức lương của các cầu thủ tăng lên gấp 100.000 lần. Và trong một thế giới “kim tiền”, chuyện một cầu thủ được hưởng mức đãi ngộ 1 triệu bảng/tuần có lẽ không còn quá xa vời.