Mourinho nói không với khoa học
Trong thời đại ngày càng có nhiều ứng dụng khoa học thể thao và y tế được áp dụng vào bóng đá thì Jose Mourinho vẫn duy trì một tác phong làm việc có phần "cổ hủ".
Với mong muốn tạo điều kiện tập luyện và phục hồi tốt nhất cho các cầu thủ, BLĐ Man Utd có cho lắp đặt một trung tâm khoa học thể thao và y tế có giá trị lên đến 25 triệu bảng tại trung tâm huấn luyện Carrington. Nhưng kể từ khi Mourinho đặt chân đến Man Utd, nơi này gần như không được sử dụng.
Chi tiết này một lần nữa cho thấy, Mourinho không tin tưởng vào các ứng dụng khoa họa và y tế hiện đại trong thể thao, ngay cả khi nhiều người tin rằng, chiến lược gia người Bồ Đào Nha cũng thừa hiểu ông không thể biết nhiều về y học hơn các bác sĩ.
Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa Mourinho và những người tiền nhiệm tại Man Utd. Cả Louis van Gaal và David Moyes đều là “tín đồ” của những con số thống kê, điều chưa bao giờ xuất hiện ở một người chỉ tin tưởng vào những gì tai nghe mắt thấy như Jose Mourinho.
Lấy ngay ví dụ trường hợp của Man Utd, Rooney và đồng đội không còn phải sử dụng các thiết bị kiểm tra sức khỏe nữa bởi Mourinho mới là người quyết định cuối cùng xem cầu thủ nào mệt mỏi sau khi theo dõi họ tập luyện. Thậm chí, ngay cả thiết bị GPS theo dõi sự tiến bộ của các cầu thủ trong các trận đấu cũng có thể bị loại bỏ trong tương lai, hoặc những con số thống kê thu về sẽ không được sử dụng nhiều bởi Mourinho.
Trên thực tế, cách làm của Jose Mourinho không hề mới bởi ông đã luôn nói không với khoa học trong bóng đá kể từ khi còn dẫn dắt Porto, Chelsea, Inter Milan hay thậm chí là Real Madrid.
Không nói đâu xa, Mourinho từng nổi cáu và sỉ vả không thương tiếc bác sĩ Eva Carneiro chỉ vì cô này chạy vào sân chăm sóc Eden Hazard trong trận đấu mở màn Premier League 2015/16 giữa Chelsea và Swansea. Trong trường hợp này, bằng con mắt quan sát của bản thân, chiến lược gia người Bồ Đào Nha cho rằng Hazard chỉ mệt mỏi chứ không bị chấn thương và vẫn có thể tiếp tục thi đấu.
Tuy nhiên, bác sĩ Eva Carneiro và cộng sự lại nghĩ sự việc nghiêm trong hơn và lập tức lao vào sân để đưa cầu thủ người Bỉ ra ngoài đường biên chữa trị trong sự giận dữ của Mourinho. Hệ quả là Chelsea không thể ghi thêm bàn thắng khi chỉ chơi với 9 cầu thủ trên sân trong những phút thi đấu cuối cùng (Courtois phải rời sân do nhận thẻ đỏ) và đành chấp nhận chia điểm với Swansea trong ngày ra quân.
Trong cuộc họp báo sau trận, Mourinho đã không ngần ngại quy trách nhiệm cho đội ngũ y tế của Chelsea: “Tôi không hài lòng với đội ngũ bác sĩ. Dù bạn có là một người chuẩn bị trang phục cho cầu thủ, bác sỹ hay trợ lý huấn luyện thì bạn cũng phải đọc được trận đấu”.
“Ai cũng biết rằng, khi đội bóng thi đấu ít hơn một người thì bạn chỉ có thể lao vào sân giúp đỡ một cầu thủ khác khi chắc chắn rằng anh ta gặp chấn thương nghiêm trọng. Nhưng tôi thì lại không nghĩ rằng Hazard đã rơi vào tình huống này. Cậu ấy ngã xuống chỉ vì cậu ấy đã rất mệt mỏi. Nhưng bộ phận y tế lại hành động quá ngây thơ và khiến chúng tôi chỉ có đúng 8 cầu thủ trong tình huống phản công nhanh”.
Ở đây, chưa bàn đến chuyện ai đúng ai sai, nhưng rõ ràng hành động có phần thiếu kiểm soát của Mourinho khi quyết định sa thải bác sĩ Eva Carneiro đã dẫn tới mâu thuẫn không thể hòa giải trong nội bộ của Chelsea.
Mặt khác, dù phủ nhận hành động giúp đỡ Eden Hazard của bác sĩ Eva Carneiro, nhưng chiến lược gia người Bồ Đào Nha cũng phải thừa nhận một số cầu thủ của ông đã mệt mỏi sau khi phải cày ải quá nhiều trong mùa giải 2014/15 và những trận đấu giao hữu trước thềm mùa giải 2015/16.
Tuy nhiên, chuyện này có thể sẽ không xảy ra nếu Jose Mourinho áp dụng các ứng dụng khoa học thể thao để biết trước rằng cầu thủ nào đang mệt mỏi và kịp thời xoay tua. Thay vào đó, ông lại sắp xếp đội hình dựa vào phán đoán chủ quan của bản thân, trong khi chính Mourinho cũng hiểu rằng ông không thể nào có kiến thức y học bằng các chuyên gia y tế.
Nói như vậy để thấy rằng viễn cảnh Man Utd đi vào vết xe đổ của Chelsea hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi Jose Mourinho đang áp dụng một chế độ tập luyện cực nặng cho các học trò, nhưng lại bỏ qua sự giúp đỡ của trung tâm khoa học thể thao và y tế hiện đại của đội nhà.
Một ví dụ khác cho thấy tầm quan trọng của khoa học trong bóng đá là thành công của Leicester trong mùa giải năm ngoái. Ít người biết rằng để có được danh hiệu Premier League đầu tiên trong lịch sử, Jamie Vardy và đồng đội đã phải uống bao nhiêu ly nước ép củ cải đường và bao nhiêu lần ngâm mình trong những “bồn lạnh” có nhiệt độ -135 độ C.
Dĩ nhiên, Leicester không phải là đội bóng duy nhất ở Premier League áp dụng khoa học kỹ thuật vào bóng đá. Sự khác biệt nằm ở chỗ HLV Claudio Ranieri luôn sẵn sàng lắng nghe và áp dụng mọi phương pháp hữu ích dành cho các cầu thủ.
Thành quả đến ngay lập tức khi Leicester là đội bóng gặp ít chấn thương nhất trong mùa giải năm ngoái, dù nhiều cầu thủ trụ cột của họ như Jamie Vardy, Riyad Mahrez hay N’Golo Kante đã phải cày ải rất nhiều.
Mặc dù vậy, tất cả những điều này dường như vẫn vô nghĩa với Mourinho.